Kể từ ngày 31/12/2020, Adobe Flash đã chính thức chết, mọi sự hỗ trợ sẽ không còn nữa. Flash đã giúp chúng ta có một thời kỳ vui vẻ với web, nhưng hàng loạt vấn đề bảo mật cùng với việc nó quá “ăn” phần cứng đã khiến Flash chết và được thay thế bằng HTML5 với nhiều tính năng vượt trội, thân thiện với mobile.
Lịch sử của Adobe Flash
Năm 1996, có một công ty tên là Macromedia đã mua lại một công ty tên FutureSplash – chuyên làm công cụ để thể hiện chuyển động lên web từ tận năm 1993. Công nghệ này đang được sử dụng bởi các tên tuổi lớn như Microsoft, Disney để hiển thị nội dung động trên trình duyệt.
Macromedia đổi tên công cụ này thành Macromedia Flash 1.0 và ra mắt nó cùng lúc với plugin Macromedia Flash Player để người dùng có thể cài vào trình duyệt. Đến giữa những năm 2000, Flash đã cất cánh khi được sử dụng bởi rất nhiều game chạy trên nền web, gần như web nào cần sử dụng các công cụ tương tác cũng xài Flash, và đương nhiên các hình ảnh chuyển động đều là Flash hết. Flash dễ cài đặt, plugin cũng nhỏ gọn và tương thích nhiều trình duyệt nên nó phổ biến nhanh là chuyện có thể hiểu được. Flash sử dụng đồ họa dạng vector nên kích thước file nhỏ và có thể hiển thị tốt cả khi phóng to ra mà không lo vỡ hình như đồ họa bitmap. Điều này quan trọng vì khi đó nhiều người vẫn đang sử dụng mạng dial-up tốc độ rất chậm, không sướng như cáp quang ngày nay.
Về cơ bản, đồ họa vector thực ra là một đống chữ thôi, nó sẽ chỉ định để phần mềm biết cần vẽ ra cái hình tròn, hình vuông, hình chữ nhật đó ra sao. Thậm chí cả những đường nét lắt léo nhất mà họa sĩ nghĩ ra cũng có thể được biểu diễn bằng đồ họa vector. Nhờ Flash mà các nhà sáng tạo nội dung, người làm marketing, và bất kì ai muốn sáng tạo ra game, quảng cáo, menu động… đều có thể triển khai và biến ý tưởng thành hiện thực. Có những trang web chạy hoàn toàn bằng Flash để nhìn đẹp hơn, phản hồi tốt hơn với người dùng.
Dần dần, Macromedia bổ sung thêm nhiều chức năng cho Flash. Năm 2000, Flash 5 xuất hiện với ActionScript, một công cụ viết script gần giống như JavaScript để lập trình cho các ứng dụng flash. Năm 2005, Adobe mua lại Macromedia và tiếp tục phát triển nó.
Flash cũng đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của các website video. Định dạng file FLV giúp mọi trình duyệt đều có thể chơi được video, miễn là bạn cài Flash. Flash từng được sử dụng cho các website như YouTue, Vimeo, Google Video, thậm chí cả Hulu, BBC iPlayer và mọi dịch vụ streaming video thời 2000 đều phải cần Flash mới chạy được.
Vấn đề của Flash
Flash chạy trên rất nhiều trang web lớn ở thời kỳ đỉnh cao của mình, và điều đó cũng có nghĩa là Adobe phải chịu nhiều trách nhiệm lắm. Vì Flash là một plugin nên nó được cập nhật riêng lẻ và không phải công ty nào cũng góp sức cho việc phát triển, duy trình Flash. Khi Flash trở nên phổ biến, nó trở thành một đích nhắm màu mỡ của hacker và trong một thời gian ngắn, nó trở thành mối nguy hiểm với đa số người dùng, cũng như các plugin như ActiveX hay Java. Một mình Adobe không thể khắc phục những vấn đề này.
Flash có thể phát triển vì nó có thể “điền vào chỗ trống”, nó có thể giúp web cũng có những nội dung tương tác, có âm thanh, có video, có chuyển động. Với những trình duyệt được xây dựng dựa trên các tiêu chuẩn cũ, những thứ này không thể xuất hiện. Sau này, các trình duyệt như Chrome và Firefox xuất hiện, nhà phát triển dành nhiều sự quan tâm cho việc hỗ trợ các tiêu chuẩn web hiện đại như HTML5 và lượng người dùng tăng lên thì sự phụ thuộc vào Flash mới giảm đi.
Ngoài ra, một cột mốc quan trọng của việc thế giới phải dần từ bỏ Flash đó là năm 2007, iPhone ra mắt nhưng không hề hỗ trộ Flash. Thời điểm đó Flash cực kì phổ biến nên nhiều trang web không chạy được trên iPhone. Nhưng Apple vẫn kiên quyết không hỗ trợ Flash trên thiết bị di động của mình với lý do Flash chạy nặng, hao tốn tài nguyên rất nhiều và không tốt cho trải nghiệm của người dùng. Thậm chí cả Android cũng chỉ hỗ trợ Flash một thời gian rồi cũng bỏ. Trong bối cảnh thế giới càng lúc càng dịch chuyển sang Internet di động, việc Flash không có mặt trên mobile đã góp phần giết chết nó.
Đến năm 2012, Flash được xem như một mối nguy hiểm về mặt bảo mật, Google đính kèm Flash vào Chrome ở dạng sandbox để nó không thể tác động tới các thành phần khác của hệ thống.
Sau Flash là gì?
Vào khoảng năm 2012, các website đã chuyển dịch sang sử dụng HTML5, một chuẩn web mới có thể đáp ứng được gần như mọi thứ mà Flash làm được trong khi nhẹ nhàng hơn, an toàn hơn, và thậm chí người dùng không cần cài plugin gì vào vì HTML5 đã được tích hợp sẵn trong trình duyệt. Lúc đó chỉ còn các website nhỏ, không còn người duy trì hoặc không có động lực duy trì mới còn xài Flash nên từ 2012 trở đi bạn đã có thể sống khỏe mà không cần Flash.
Ngày nay, các website sử dụng HTML5 đã có khả năng thay đổi tùy theo kích thước màn hình, có thể chơi video, có thể phát âm thanh, có thể tương tác với bạn, thậm chí chơi được cả game, tất cả chỉ dùng HTML5 mà thôi không cần cài thêm plugin nào cả. Năm 2009, việc ra mắt thẻ <video> của HTML5 cũng đã giúp các nền tảng streaming video có một công cụ tốt để phát triển tiếp mà không cần Flash. Tốc độ Internet nhanh hơn cũng có nghĩa là nhu cầu video phát triển mà.
HTML5 còn có một tính năng tên là canvas, bạn có thể vẽ bất kì thứ gì bạn muốn, kể cả hình động, bằng JavaScript và hiển thị nó lên trình duyệt. Canvas được dùng để tạo ra đồ thị, chuyển động, game và nhiều trang web có khả năng tương tác rất cao. WebGL, một công cụ đồ họa, còn giúp các trang web vẽ được cả đồ họa 3D nữa.
Việc sử dụng HTML5 + JavaScript + CSS còn giúp đơn giản hóa quá trình phát triển web, bớt thứ phải học và phải duy trì, tăng tốc độ đưa ra sản phẩm và tăng cường những gì web có thể làm được.
Ngay cả đồ họa vector – lý do thành công ban đầu của Flash – giờ cũng có một giải pháp thay thế, đó là SVG. File SVG nhỏ nhưng vì là đồ họa vector nên hình sẽ nhìn đẹp dù bạn đang xem trên điện thoại trên TV màn hình 80″.
Kết thúc của một thời đại
Sự ra đi của Flash sẽ làm nhiều anh em tiếc nuối, nhưng cũng có một chút vui trong đó 😁 Dù Flash có nhiều vấn đề những nó cũng chính là nền tảng để chúng ta có được thế giới web hiện đại, phong phú như ngày hôm nay, nên nó vẫn đáng được vinh danh. Cái gì không còn hợp thời thì chết, đó là quy luật rồi.
Tạm biệt Flash, và không hẹn gặp lại em.
Để lại một bình luận