Dịch vụ “gửi trâu” vào các “trang trại” điện mặt trời đang nở rộ ở Việt Nam.
Theo anh Nguyễn Quang Tuấn, chủ một công ty lắp đặt điện mặt trời tại TP HCM, trào lưu đào tiền điện tử bằng điện mặt trời đã manh nha từ cuối năm 2020. Tuy nhiên, không nhiều người sẵn sàng bỏ ra một khoản tiền lớn để lắp đặt hệ thống mới. Họ chủ yếu “gửi trâu” cho những chủ trại kinh doanh điện mặt trời. Đến khoảng đầu tháng 3 năm nay, khi cơn sốt tiền ảo lại lên giá, trào lưu này bắt đầu nở rộ. Thay vì bán điện dư cho EVN như trước, nhiều “chủ trại” năng lượng mặt trời lên các hội nhóm về khai thác tiền điện tử để làm dịch vụ ‘chăn trâu thuê’, chi phí tính theo đầu máy.
Nhiều thợ đào tiền điện tử cũng muốn “gửi trâu”. Thay vì phải vận hành các dàn máy đào bằng điện sinh hoạt với giá cao, họ thương lượng với các trang trại điện mặt trời để lắp hệ thống máy đào. Trung bình một dàn máy được gửi với giá 1,2 đến 1,5 triệu đồng mỗi tháng, tuỳ cấu hình, đảm bảo vận hành 24/7.
Nguyễn Tuấn Hùng, chủ một quán game tại TP HCM bắt đầu gửi dàn 20 máy cho một chủ trang trại điện mặt trời tại Tiền Giang từ cuối tháng 2 với chi phí trọn gói 25 triệu đồng/tháng. Mặt bằng quán game cho thuê lại, bù vào tiền đi gửi. Hùng khẳng định việc “gửi trâu” mang lại hiệu quả kinh doanh cao hơn là tự “cày”.
“Mình lên các hội nhóm về điện mặt trời, tìm các xưởng uy tín rồi xuống kiểm tra, lắp đặt dàn máy và theo dõi từ xa. Khi nào thấy máy có vấn đề, mình gọi ngay cho chủ trại để xử lý. Một tháng qua mình chưa gặp trục trặc gì đáng kể”, anh Hùng nói.
Không chỉ nhận “chăn trâu” thuê, một số chủ trại điện mặt trời cũng tự “cày” tiền điện tử. Sinh Lê, chủ một hệ thống lắp đặt máy đào tiền điện tử lớn ở TP HCM, cho biết, gần đây, nhiều chủ trại điện mặt trời ở Tây Ninh, Bình Thuận, Tiền Giang đã liên hệ với anh để lắp đặt các hệ thống đào tiền điện tử lớn, chi phí 4 đến 5 tỷ đồng mỗi dàn máy. Theo anh Lê, đa phần các chủ trang trại điện mặt trời muốn tận dụng nguồn điện dư để khai thác Bitcoin, Ethereum và một số đồng khác, thay vì phụ thuộc vào việc bán điện cho EVN.
Việc gửi các dàn máy đào vào trang trại điện mặt trời có một số rủi ro.
Đầu tiên là rủi ro về pháp lý. Việc khai thác tiền điện tử cũng như dùng điện mặt trời để vận hành máy đào vẫn nằm trong “vùng xám”. Cả “thợ đào” và các “chủ trại” đều không chắc dịch vụ của họ có được pháp luật bảo hộ hay không.
Hợp đồng “chăn trâu thuê” đều được xây dựng dựa trên sự tin tưởng giữa hai bên. “Mình chưa thấy ai bị ‘mất trâu’, nhưng khả năng này có thể xảy ra”, Minh Phúc, một “thợ đào” Bitcoin lâu năm ở Hà Nội khẳng định.
Ngoài ra, khi máy móc bị hư hỏng, người gửi tốn thời gian đi về để sửa chữa, không thể khắc phục ngay như để tại nhà vì đa phần các trang trại điện mặt trời ở tỉnh, xa thành phố.
Ngoài ra, các chủ trại chỉ có thể “đào” vào ban ngày, ban đêm phải dùng lưới điện quốc gia và trả tiền điện như bình thường. Việc chuyển đổi các nguồn điện cần hệ thống chuyên dụng, vì nếu tắt, mở liên tục, tuổi thọ của máy đào sẽ giảm nhanh, hiệu quả không cao. Ngoài ra, điện mặt trời chỉ hiệu quả vào mùa khô. Vào những tháng mưa, các chủ trại phải dùng lưới điện quốc gia tính theo giá điện kinh doanh, chi phí không còn rẻ.
Ý tưởng dùng điện mặt trời để đào Bitcoin đã xuất hiện trên thế giới từ nhiều năm trước. Khi cơn sốt Bitcoin lên cao năm 2017, nhiều chủ trại ở Australia, Mỹ đã đầu tư hệ thống điện mặt trời lớn để khai thác tiền điện tử.
Trả lời