Làm thế nào để an ủi người khác khi họ đang buồn? Trong cuộc sống cũng như là những mối quan hệ của mỗi người, không có ai mong muốn những người thân, người bạn của mình buồn bã, tuy nhiên trong cuộc sống những cảm xúc là điều không phải ai cũng có thể khống chế và điều tiết được. Có thể cô ấy vừa cãi nhau với người yêu, không được thăng chức, mất đi người thân, bị chẩn đoán mắc bệnh nặng, hoặc một sự kiện chấn động nào khác đã khiến cô ấy cảm thấy buồn. Nhất là trong hoàn cảnh những người thân, người bạn của mình đang buồn thì chắc chắn rằng bạn không thể chỉ ngồi yên mà không làm gì.
Tóm tắt nội dung bài viết
- Làm thế nào để an ủi người khác
- Hỏi xem cô ấy có chuyện gì không ổn.
- Đừng kể với người khác về vấn đề của cô ấy.
- Nhắc Cô ấy Cười
- Là một Người bạn Chân thành
- Đừng quên gọi điện hỏi thăm tâm trạng của cô ấy.
- Biết rõ điều nên nói
- Học cách lắng nghe chăm chú
- Kết thúc cuộc trò chuyện
- Tìm hiểu về bước tiếp theo
- Bàn về vấn đề trị liệu
- Tìm hiểu xem liệu có bất kỳ điều gì mà bạn có thể thực hiện
- Hãy chân thành
- Kiểm tra lại một lần nữa
Làm thế nào để an ủi người khác
Hỏi xem cô ấy có chuyện gì không ổn.
Hỏi xem cô ấy có muốn kể về chuyện đó không. Bạn có thể nói: “Tớ thấy dạo này cậu rất buồn. Có chuyện gì sao?”. Có thể cô ấy rất muốn kể về chuyện đó và chỉ đợi được hỏi thôi. Vì thế, hãy lắng nghe câu trả lời của cô ấy. Hãy yên lặng và đừng ngắt lời cô ấy. Bạn không cần phải đưa ra ý kiến hoặc lời khuyên, trừ khi cô ấy hỏi.
Nếu cô ấy không muốn nói chuyện, hãy tôn trọng lựa chọn của cô ấy. Có thể cô ấy đang bị tổn thương quá nhiều, và cô ấy cảm thấy sẽ vỡ òa nếu phải nói về điều đó. Cô ấy chỉ cần một chút thời gian để chấp nhận tình huống và cảm xúc của mình. Hãy cho cô ấy thời gian và để cô ấy biết rằng bạn luôn ở bên cạnh nếu cô ấy muốn tâm sự.
Làm thế nào để an ủi người khác
An ủi cô ấy bằng cảm xúc. Nhắc cô ấy nhớ rằng cô ấy là một người tuyệt vời và rất có ý nghĩa với bạn. Ghi nhận cảm giác của cô ấy khi cô ấy chia sẻ về nỗi buồn. Bạn có thể nói: “Tớ biết việc đó rất đáng buồn. Tớ rất tiếc vì cậu phải chịu đựng việc đó.” Tiếp tục thể hiện sự tốt bụng và động viên cô ấy. Hãy luôn là một người bạn trung thành. Đây không phải là lúc để bỏ rơi hoặc trốn tránh cô ấy.
Đừng kể với người khác về vấn đề của cô ấy.
Nếu cô ấy hỏi xin lời khuyên, hãy đưa ra ý kiến của bạn.
Nếu bạn không biết phải nói gì với cô ấy, hãy gợi ý cho cô ấy một người có thể giúp, ví dụ một người bạn đáng tin cậy, một thành viên trong gia đình, hoặc một chuyên gia.
Cố gắng hiểu những gì người bạn đó đang phải trải qua. Nếu bạn không thể hiểu, hãy lắng nghe. Bạn có thể đề nghị giúp đỡ cô ấy mà không cần phải tỏ ra khích lệ những chuyện mà bạn không đồng tình. Đừng chê trách và xát muối vào vết thương của cô ấy. Ví dụ: nếu cô ấy đang buồn vì vừa cãi nhau với chồng, đừng nói rằng: “Tớ đã bảo cậu đừng có cưới anh ta mà”.
Nếu bạn không thể nói ra những điều cô ấy muốn nghe, hãy nói rằng bạn luôn ở bên cô ấy, dù thế nào đi nữa.
Đừng coi nhẹ cảm giác của cô ấy.
Một cái ôm và một cái nắm tay sẽ nói lên nhiều điều.
Hãy kiên nhẫn. Bạn của bạn có thể cau có hoặc nóng giận với bạn, và cô ấy có thể xẵng giọng với bạn. Đừng nghĩ rằng điều đó là tại bạn. Hãy lờ đi và nhận ra rằng cô ấy đang không là chính mình. Cô ấy đang phải chịu đựng rất nhiều căng thẳng, và bạn biết rằng trước kia, cô ấy cũng đã từng có những ngày tháng vui vẻ.
Nhắc Cô ấy Cười
Hãy làm cô ấy cười. Cùng làm những điều ngớ ngẩn. Bật nhạc và cùng nhảy thật hài hước. Thuê một bộ phim hài và cùng xem với cô ấy. Kể chuyện cười cho cô ấy. Nhớ lại những kỉ niệm buồn cười mà hai bạn cùng có.
Đề nghị được đưa cô ấy tới một nơi vui vẻ. Đi mua sắm cùng cô ấy. Đó có thể là một chuyến đi thú vị. Đưa cô ấy đi ăn trưa hoặc gặp gỡ những người khác. Để tâm tới cá tính và sở thích của người bạn đó. Tự hỏi: “Mình có thể làm gì để động viên và đánh lạc hướng cô ấy? Cô ấy thích làm gì?”
Lúc đầu, bạn của bạn có thể từ chối lời mời của bạn. Có thể cô ấy sẽ nói rằng cô ấy không muốn đi đâu cả. Hãy động viên cô ấy và nói rằng cô ấy không cần phải vượt qua việc này một mình, và việc gặp gỡ những người khác sẽ có ích cho cô ấy.
Mua tặng cô ấy một món quà hoặc tấm thiếp đẹp. Đó có thể là một món quà đơn giản như một hộp kẹo, một chai dầu thơm hoặc loại hoa yêu thích của cô ấy. Một tấm thiếp an ủi đúng vấn đề cũng sẽ giúp cô ấy cảm thấy khá hơn. Những món quà đó sẽ nói với cô ấy rằng bạn trân trọng và luôn nghĩ về cô ấy. Chúng cũng sẽ giúp cô ấy bớt nghĩ nhiều về vấn đề của mình, dù chỉ là tạm thời.
Hành động của bạn sẽ khiến cô ấy thấy trên đời vẫn còn rất nhiều người quan tâm tới nỗi đau của cô ấy, và họ rất muốn giúp đỡ.
Cô ấy sẽ nhớ tới những gì bạn đã làm khi cô ấy buồn và cô đơn.
Là một Người bạn Chân thành
Đề nghị làm giúp cô ấy việc gì đó. Hãy hỏi xem có việc gì bạn có thể làm giúp cô ấy không. Đề nghị trông con giúp khi cô ấy cần thời gian một mình để giải quyết chuyện buồn của mình. Bạn có thể đi chợ và/hoặc nấu giúp cô ấy một vài bữa ăn. Dọn nhà giúp cô ấy. Nếu bố mẹ cô ấy bị ốm nặng, hãy cùng cô ấy đưa họ tới bệnh viện.
Hãy để cô ấy biết rằng bạn luôn ở bên cạnh cô ấy. Cô ấy có thể cần một chút thời gian ở một mình. Cứ để cô ấy ở một mình, nhưng hãy nói rằng cô ấy có thể gọi cho bạn khi cần, bất kỳ lúc nào. Nếu cô ấy chấp nhận và gọi bạn vào lúc 2 giờ sáng, hãy nhấc máy và lắng nghe cô ấy. Nếu cô ấy cần gặp bạn vào lúc 3 giờ sáng, hãy ra khỏi giường và tới gặp cô ấy.
Đừng quên gọi điện hỏi thăm tâm trạng của cô ấy.
Nói chuyện với những người bạn chung. Những người bạn chung có thể góp phần an ủi và khiến cô ấy thấy khá hơn. Bạn không nên kể cho họ nghe những điều mà cô ấy chỉ nói riêng với bạn. Hãy hỏi cô ấy trước xem liệu bạn có thể nói với họ về chuyện buồn của cô ấy không, và nhớ hỏi rõ bạn có thể kể những gì.
Gợi ý cô ấy đến gặp chuyên gia. Nếu bạn của bạn vẫn còn buồn, nếu nỗi buồn gây ảnh hưởng tới cuộc sống của cô ấy, nếu bạn thấy bạn không thể giúp cô ấy vui lên, có lẽ chuyện của cô ấy còn nghiêm trọng hơn việc buồn vì gặp khó khăn. Cô ấy có thể bị trầm cảm. Hãy thành thật với những nỗi lo lắng của mình. Hãy đề nghị cô ấy nói chuyện với ai đó về những chuyện buồn. Tìm giúp cô ấy một nhà tư vấn hoặc trị liệu, và đưa cô ấy tới phòng khám nếu cần.
Nếu bạn nghĩ rằng người bạn của mình đang có ý định tự tử, hãy tìm kiếm sự giúp đỡ ngay lập tức. Hãy gọi 1-800-273-TALK (8255) – đường dây nóng Ngăn ngừa Tự tử Quốc gia tại Mỹ, hoặc nếu ở Việt Nam, bạn có thể gọi tới đường dây nóng 1900599930 phím số 1 để liên hệ với Trung tâm Phòng chống khủng hoảng tâm lý và tự tử (PCP).
Nếu bạn của bạn đang gặp tình trạng khủng hoảng nghiêm trọng, hãy gọi 115 hoặc 911 (ở Mỹ).
Biết rõ điều nên nói
Khơi gợi cuộc trò chuyện. Hãy cho người đó biết rằng bạn nhận thấy họ đang buồn và rằng bạn luôn có mặt để lắng nghe họ. Nếu bạn không biết rõ người đó, bạn có thể nêu lên lý do vì sao bạn muốn giúp đỡ họ.
Ví dụ, nếu bạn biết người đó, bạn có thể nói rằng “Tôi nhận thấy bạn đang gặp khó khăn. Bạn có muốn chia sẻ với tôi không?”.
Nếu bạn không biết rõ người đó, bạn có thể nói rằng “Chào bạn, tên tôi là Châu. Tôi cũng là sinh viên của trường, và tôi thấy bạn đang khóc. Tôi biết rằng tôi chỉ là một người xa lạ, nhưng nếu bạn muốn, tôi sẵn sàng lắng nghe về vấn đề đang làm phiền bạn”.
Hãy thành thật. Điều này có nghĩa là bạn có thể sẽ muốn vòng vo khi bạn biết rõ vấn đề đang xảy ra. Nếu người thân yêu của người đó vừa mất hoặc nếu họ vừa mới chia tay với người mà họ thật sự quan tâm, bạn có thể sẽ không muốn trực tiếp nói về vấn đề vì bạn sợ sẽ khiến người đó bị tổn thương nhiều hơn. Tuy nhiên, người đó biết rõ điều gì đang diễn ra và có lẽ họ cũng đang suy nghĩ về tình hình. Thẳng thắng hỏi thăm về nó sẽ cho người đó biết rằng bạn quan tâm và sẵn sàng đối phó với vấn đề mà không tô vẽ thêm cho nó, và điều này có thể sẽ đem lại sự nhẹ nhõm.
Ví dụ, bạn có thể nói một điều gì đó chẳng hạn như “Tôi nghe nói cha bạn vừa mất. Chắc bạn đang đau lòng lắm. Bạn có muốn trò chuyện về điều này không?”.
Hỏi thăm về cảm xúc của họ. Một cách khác để giúp duy trì cuộc trò chuyện đó chính là hỏi thăm về cảm xúc của người đó. Trong bất kỳ tình huống nào, người đó cũng sẽ cảm nhận được khá nhiều cảm xúc, ngay cả trong tình huống buồn bã, vì vậy, cho phép họ cởi mở về mọi cảm xúc của bản thân có thể sẽ khá hữu ích.
Ví dụ, nếu cha hoặc mẹ của người đó vừa mất sau một thời gian dài chống chọi với bệnh tật, tất nhiên, họ sẽ cảm thấy buồn. Nhưng họ cũng có thể sẽ cảm thấy nhẹ nhõm bởi vì căn bệnh đó cuối cùng cũng đã chấm dứt và đồng thời họ cũng cảm thấy tội lỗi vì họ đã có cảm xúc này.
Chú ý đến người đó. Có thể bạn sẽ muốn so sánh vấn đề mà họ đang gặp phải với vấn đề mà bạn đã vượt qua trong quá khứ. Tuy nhiên, khi một người nào đó đang buồn bã, họ không nhất thiết muốn nghe bất kỳ điều gì về tình huống mà bạn đã gặp phải. Họ muốn nói về những điều đang diễn ra trong hiện tại.
Không nên cố gắng biến cuộc trò chuyện trở nên tích cực ngay lập tức. Giúp đỡ người khác bằng cách chuyển hướng sự chú ý của họ vào mặt tích cực của vấn đề là hành động khá tự nhiên. Tuy nhiên, khi bạn thực hiện điều này, họ có thể sẽ cảm thấy như thể bạn đang trốn tránh vấn đề; điều này có thể khiến họ cảm thấy như thể cảm xúc của họ không quan trọng. Bạn chỉ cần lắng nghe và không nên cố gắng nêu lên mặt tích cực của sự việc.
Ví dụ, không nên nói như sau “Chà, ít ra thì bạn cũng vẫn còn sống”, “Không phải mọi việc đều tồi tệ” hoặc “Vui lên nào!”.
Thay vào đó, nếu bạn cần phải nói một điều gì đó, hãy sử dụng câu nói chẳng hạn như “Bạn hoàn toàn có thể cảm thấy buồn bã; bạn đang phải trải qua giai đoạn khó khăn”..
Học cách lắng nghe chăm chú
Hiểu rằng người đó muốn được lắng nghe. Hầu hết trong mọi thời điểm, người đang khóc hoặc đang buồn chỉ muốn được người khác lắng nghe. Đừng ngắt lời họ và đừng đưa ra giải pháp
Bạn có thể đưa ra giải pháp cho họ khi cuộc trò chuyện gần đến hồi kết thúc, nhưng vào lúc đầu, bạn chỉ nên tập trung vào việc lắng nghe họ.
Bày tỏ sự thấu hiểu. Một biện pháp để lắng nghe chăm chú đó chính là lặp lại điều mà đối phương đang nói. Có nghĩa là, bạn có thể nói rằng “Tôi nghe bạn nói rằng bạn buồn bởi vì người bạn của bạn không chú ý đến bạn”.
Không để bản thân bị phân tâm. Hãy tập trung vào cuộc trò chuyện
Tắt TV. Ngừng dán mắt vào chiếc điện thoại di động của bạn. Một phần của quá trình duy trì sự tập trung đó chính là bạn cũng không nên mơ màng. Ngoài ra, đừng chỉ ngồi đó và cố gắng suy nghĩ về điều tiếp theo mà bạn cần phải nói. Hãy thật sự chú tâm vào điều mà đối phương đang chia sẻ.
Sử dụng ngôn ngữ cơ thể để người đó biết rằng bạn đang lắng nghe
Điều này có nghĩa là bạn nên nhìn vào mắt người đó. Gật đầu theo điều họ nói. Mỉm cười tại thời điểm phù hợp, và bày tỏ sự quan tâm bằng cách nhíu mày. Đồng thời, bạn cũng nên duy trì ngôn ngữ cơ thể cởi mở. Điều này có nghĩa là không nên khoanh tay và chân và đối mặt với người đó.
Kết thúc cuộc trò chuyện
Nhìn nhận sự bất lực của bản thân. Hầu hết mọi người đều cảm thấy bất lực khi đối mặt với người đang gặp khó khăn. Đây là cảm xúc tự nhiên, và bạn sẽ không biết phải nói gì với người đó. Tuy nhiên, bạn chỉ cần nhìn nhận sự thật và nói với người đó rằng bạn luôn có mặt vì người đó là quá đủ.
Ví dụ, bạn có thể nói rằng “Tôi rất lấy làm tiếc vì bạn gặp phải vấn đề này. Tôi không biết phải nói gì để bạn cảm thấy tốt hơn, và tôi biết rằng không có bất kỳ lời nào có thể giúp bạn. Nhưng tôi muốn bạn biết rằng tôi sẽ luôn có mặt khi bạn cần”.
Trao cho người đó một cái ôm. Nếu bạn cảm thấy thoải mái, bạn có thể trao cho người đó một cái ôm. Tuy nhiên, tốt hơn hết là bạn nên hỏi ý kiến của họ trước, bởi vì nhiều người không thích tiếp xúc thể chất, đặc biệt nếu họ đã từng trải qua một dạng chấn thương tâm lý nào đó.
Ví dụ, bạn có thể nói “Tôi ôm bạn một cái có được hay không?”.
Tìm hiểu về bước tiếp theo
Mặc dù không phải lúc nào bạn cũng có thể tìm được giải pháp cho vấn đề đang làm phiền một người nào đó, đôi khi, chỉ cần thiết lập kế hoạch cũng có thể giúp họ cảm thấy tốt hơn. Vì vậy, đây chính là thời điểm để bạn đề nghị một giải pháp nếu họ không biết phải làm gì; nếu họ biết rõ điều cần làm, bạn nên khuyến khích họ chia sẻ về nó và lên kế hoạch cho điều tiếp theo mà họ muốn thực hiện.
Bàn về vấn đề trị liệu
Nếu bạn của bạn đang phải trải qua khá nhiều vấn đề, bạn hoàn toàn có thể tìm hiểu xem liệu họ có nghĩ rằng họ nên đến gặp chuyên viên tư vấn hay không. Không may mắn thay, quá trình này thường đi kèm với nhiều sự kỳ thị trong xã hội, nhưng nếu người bạn của bạn đã gặp khó khăn trong một khoảng thời gian dài, tốt hơn hết là họ nên trò chuyện với chuyên gia.
Tất nhiên, kỳ thị trong việc điều trị với nhân viên tư vấn là điều phi lý. Bạn thậm chí có thể sẽ phải thuyết phục người bạn của bạn rằng đến gặp nhân viên tư vấn là điều hoàn toàn bình thường. Bạn có thể đối phó với sự kỳ thị bằng cách cho người đó biết rằng bạn sẽ không thay đổi cách nhìn của bạn đối với họ ngay cả khi họ đang cần đến sự giúp đỡ.
Tìm hiểu xem liệu có bất kỳ điều gì mà bạn có thể thực hiện
Cho dù là người đó muốn trò chuyện với bạn mỗi tuần hay chỉ đơn giản là thỉnh thoảng cùng bạn đi ăn trưa, bạn có thể giúp được họ. Bạn cũng sẽ giúp ích được rất nhiều cho họ bằng cách yêu cầu hỗ trợ họ thực hiện nhiệm vụ khó khăn, chẳng hạn như giúp người đó làm giấy báo tử cho người thân yêu. Bạn chỉ cần trò chuyện một cách cởi mở để xác định xem liệu họ có đang cần đến sự giúp đỡ trong công việc cụ thể nào hay không.
Nếu người đó có vẻ do dự về việc nhờ bạn giúp đỡ, bạn có thể đưa ra lời gợi ý cụ thể. Ví dụ, bạn có thể nói rằng “Tôi rất muốn giúp bạn. Ví dụ như tôi có thể chở bạn đi đâu đó nếu bạn cần, hoặc tôi có thể đem thức ăn đến nhà cho bạn. Bạn chỉ cần nói cho tôi biết bạn cần gì”.
Hãy chân thành
Nếu bạn hỗ trợ hoặc yêu cầu người đó cho phép bạn giúp đỡ dưới bất kỳ một hình thức nào, bạn nên nhớ bảo đảm rằng bạn sẽ thực hiện chúng. Ví dụ, nếu bạn nói rằng “Bạn có thể gọi điện cho tôi để trò chuyện vào bất kỳ lúc nào”, hãy thật sự sẵn sàng để ngừng mọi công việc mà bạn đang thực hiện để nói chuyện với người đó. Tương tự, nếu bạn yêu cầu người đó cho phép bạn thực hiện một điều gì đó, chẳng hạn như lái xe chở họ đến các buổi trị liệu, hãy thật sự có mặt để thực hiện nó.
Kiểm tra lại một lần nữa
Hầu hết mọi người đều gặp khó khăn trong việc tìm đến với một ai đó khi họ cần giúp đỡ, đặc biệt là sự giúp đỡ về mặt tinh thần. Vì vậy, bạn hãy nhớ thường xuyên hỏi thăm người đó. Có mặt khi người đó cần là điều thật sự quan trọng.
Nguồn Tham Khảo:
- http://www.redcross.org.uk/What-we-do/Teaching-resources/Teacher-briefings/Emotional-support
- http://www.cmhc.utexas.edu/bethatone/friendscopingsuicide.html
- http://www.prevention.com/sex/friendship/be-better-friend-these-tips-offering-comfort
- http://www.wsj.com/articles/how-active-listening-makes-both-sides-of-a-conversation-feel-better-1421082684
- http://www.colorado.edu/conflict/peace/treatment/activel.htm
- https://www.mindtools.com/CommSkll/ActiveListening.htm
- http://www.youne.com/what-to-do-when-your-best-friend-is-sad/
- http://lifehacker.com/how-can-i-help-a-friend-who-seems-depressed-1440648372
- http://www.bandbacktogether.com/grieving/
Để lại một bình luận