Biết cách lắng nghe là một trong những yếu tố quan trọng giúp bạn trở thành một người giao tiếp giỏi. Tuy nhiên, lắng nghe thôi chưa đủ, bạn cũng cần học cách im lặng.
Ta nên học cách lắng nghe để hiểu, dừng lại để thương và biết buông bỏ ngạo mạn để thấy đời sống này là vô thường bất chợt…
Im lặng không có nghĩa là không nói gì khi ai đó đang trò chuyện với bạn. Im lặng không có nghĩa là thụ động, dửng dưng với mọi thứ xung quanh. Im lặng chính là lúc bạn cảm nhận nhiều hơn về các sự việc, hiểu rõ hơn về nguyên nhân – hậu quả và quan trọng hơn, im lặng cũng là cách để bạn thể hiện cảm xúc của mình với người đối diện.
Đôi khi, im lặng còn mạnh mẽ hơn rất nhiều so với một lời nói hoa mỹ, có cánh.
Nói hay im lặng đều phải đúng nơi, đúng lúc, đúng người và chỉ sử dụng khi cần thiết. Lời nói có thể là lưỡi gươm, gươm chưa dùng thì để trong bao. Im lặng là diệu kế khi lời nói không có tác dụng hoặc phản tác dụng. Nếu dùng sai thì im lặng có thể là tai họa. Đó chính là giá trị của sự im lặng và “nghệ thuật” im lặng.
Dưới đây là một vài lời khuyên rất giá trị giúp bạn biết được lúc nào nên im lặng và lúc nào nên nói.
Khi im lặng là vàng:
♥ Giữ im lặng có thể có sức mạnh ngang bằng với những lời bạn muốn nói, giống như là khi một cái ôm có giá trị hơn rất nhiều so với câu “Chia buồn cho sự mất mát của bạn”.
♥ Biết vui với người vui, buồn với người buồn. Đó là cách cư xử của người hiểu biết, lễ độ và thấu cảm. Không gì vô duyên hơn khi người khác khóc mà mình lại cười hoặc ngược lại. Sự “lệch pha” đó khả dĩ khiến chúng ta trở nên lố bịch, hợm hĩnh và kiêu ngạo.
♥ Một thời điểm khác khi bạn không chắc chắn phải nói điều gì. Nếu cảm thấy bối rối khi cảm xúc của riêng bạn đang hướng tới một vấn đề nào đó, tốt nhất là hãy im lặng cho tới khi bạn cảm thấy chắc chắn hơn bởi vì có nhiều rủi ro xảy ra hơn khi bộc lộ những cái sai hoặc những cảm xúc thái quá.
♥ Hãy chọn im lặng thay vì thốt ra những cảm xúc nhất thời mà nó thì có thể làm người khác đau lòng và đó cũng thực sự không phải là cảm xúc của bạn. Khi bạn có cảm giác thôi thúc muốn nói một điều gì đó không hay, hãy hít vài hơi thở sâu và nghĩ về những hậu quả có thể xảy ra sau đó.
♥ Một thời điểm khác mà bạn tốt nhất nên im lặng là khi có ai đó chia sẻ một câu chuyện có ý nghĩa. Hãy để cho họ cảm thấy được lắng nghe bằng cử chỉ gật đầu im lặng và ánh mắt chia sẻ.
♥ Biết thì thưa thốt, không biết thì dựa cột mà nghe. Người khôn ngoan chỉ nói những điều mình biết rõ và hoàn toàn im lặng đối với những gì mình không biết hoặc mơ hồ. Nhà bác học Thomas Edison từng nói: “Điều chúng ta biết chỉ là một giọt nước, điều chúng ta không biết là cả đại dương”. Còn hiền triết Socrates thừa nhận: “Tôi không biết gì cả, đó là điều tôi biết rõ nhất”.
♥ Sự im lặng có thể là người bạn tốt trong những cuộc đàm phán. Nói phần của bạn, sau đó, im lặng để người khác đi tới kết luận của riêng họ. Sự im lặng của bạn cho thấy bạn tự tin về những gì bạn đã nói và bạn đủ tôn trọng người đối diện để nghe những điều họ nói.
♥ Khi chưa được hiểu, chúng ta cần cởi mở và hòa đồng để người khác có thể hiểu mình hơn – dù không thể hiểu hết. Tuy nhiên, nếu cảm thấy họ thực sự không thể hiểu hoặc không muốn hiểu thì tốt nhất là im lặng. Nếu không, những gì bạn nói có thể tạo ra sự khó chịu và hiềm thù.
♥ Đôi khi im lặng là cách giải quyết tốt nhất và đúng lúc nhất bởi vì đối phương không ở trong vị trí lắng nghe điều bạn nói. Chẳng hạn, khi một người bạn cần bạn lắng nghe vấn đề cá nhân nhưng cô ấy lại không thể chấp nhận lời khuyên của bạn vào lúc đó. Vả lại, nói nhiều thì sai nhiều. Nói thiên lệch thì mất lẽ chính, nói huênh hoang rồi đến chỗ đuối, nói xiên xẹo rồi đến chỗ sai trái, nói giấu giếm sẽ đến chỗ cùng.
♥ Hãy luyện tập thói quen giữ yên lặng ở nơi làm việc khi bạn không có điều gì ý nghĩa để đóng góp. Trừ khi bạn có thể nâng tầm cuộc đối thoại lên bằng cách đưa ra ý tưởng nào đó thú vị, thiếu sót hoặc có lợi, còn không thì tốt nhất bạn chỉ nên ngồi quan sát và học hỏi.
♥ Im lặng đôi khi là lúc mà con người ta đang lao động trí óc. Nhờ đó mà có những kiệt tác, sự cao thượng, hiểu biết, trưởng thành, hồi tâm, giác ngộ… Văn hào W. Goethe từng nói: “Tài năng được nuôi dưỡng trong cô tịch, còn chí khí được tạo bởi những cơn sóng dữ của giông tố cuộc đời”. Thấy người khác trầm tư mặc tưởng thì đừng phá “khoảng riêng” của họ. Sự im lặng lúc đó thực sự cần thiết và có ý nghĩa.
♥ Cuối cùng, im lặng là vàng khi bạn không muốn dính vào một cuộc tranh cãi ngớ ngẩn. Vì những chuyện cãi nhau sẽ không bao giờ được giải quyết, một người phải “ngậm bồ hòn làm ngọt”.
Nghệ thuật của sự im lặng: Càng nói nhiều, càng tự ràng buộc, hãy giới hạn bản thân bằng những lời nói
Bằng cách nào để nói ít lại có thể giúp bạn thông minh, nhân ái và thành công hơn.
“Những bộ óc vĩ đại bàn luận về ý tưởng. Những bộ óc bình thường bàn luận về sự kiện. Những bộ óc nhỏ nhen thì bình phẩm về con người”. Câu nói của Eleanor Roosevelt là một trong những trích dẫn nổi tiếng được nhiều người yêu thích. Nó được chứng minh một cách rất rõ ràng trong cuộc sống, chỉ cần bạn chịu khó để ý là sẽ nhận thấy.
Chúng ta dường như đang sống trong một thế giới mà mọi người chỉ chăm chăm nói lên ý kiến mà chẳng mấy ai chịu lắng nghe người khác. Chúng ta thích nghe những tin đồn, những câu chuyện vô căn cứ; thích đưa ra lời khuyên ngay cả khi chưa nghe hết câu chuyện nhưng lại chẳng đón chào nếu chúng dành cho mình.
Vậy thì những bộ óc vĩ đại, những tâm trí cao siêu kia có thể ở đâu giữa cuộc sống xô bồ này? Chúng đã bị thực tế làm tiêu biến hay vẫn ở đây, chỉ chờ chúng ta tìm lại?
Không đâu, tất cả những gì bạn cần làm để bộ não phát huy năng lực của mình, là im lặng. Điều này không hề dễ dàng. Thậm chí, nó còn được coi là một nghệ thuật, một liệu pháp tâm lý đặc biệt. Và những gì nó mang lại cho bạn trong các mối quan hệ, trong công việc và cuộc sống xứng đáng để được cân nhắc nhiều hơn:
Im lặng giúp bạn trở nên thông minh hơn
Nói ít đi không có nghĩa là nghĩ ít hơn, nhưng nó có thể dẫn lối cho những suy nghĩ chất lượng hơn. Khi bạn đang bận nói chuyện với những người xung quanh, những suy nghĩ sẽ không thể truyền vào nhận thức một cách đầy đủ để từ đó phân tích được đa chiều hơn.
Nói ít đi cũng đồng nghĩa với việc nghe nhiều hơn. Các thông tin và kiến thức bạn thu thập được sẽ tăng lên đáng kể khi bạn biết giữ sự im lặng nhất định. Bạn sẽ nhận ra nhiều điều mình không biết và sự khiêm tốn đi kèm chính là một phần của sự thông minh thật sự.
Khi bạn bắt đầu nhận ra mình thực sự không biết bao nhiêu, bạn sẽ lắng nghe và quan sát nhiều hơn thay vì quanh đi quẩn lại nói những điều đã cũ. Hiệu ứng Dunning-Kruger chỉ ra một sự lệch lạc nhận thức, trong đó những người kỹ năng kém đưa ra những quyết định tồi và những kết luận sai lầm, nhưng việc thiếu năng lực lại ngăn cản họ nhận thức về chính sai lầm đó.
Khi tâm trí bạn tĩnh lặng, bạn sẽ quan sát nhiều hơn, nhận thức tốt hơn và đưa ra những quyết định rõ ràng hơn. Khi bạn không quan tâm đến việc nói nữa thì bạn sẽ tập trung vào việc lắng nghe, sẽ hiểu thêm nhiều điều và gặt hái hiểu biết mà bạn thậm chí chẳng dự đoán được. Và vì điều này bạn sẽ dần trở nên thông minh hơn trong mắt người đối diện.
Lùi lại một bước để tiến xa hơn
Một khía cạnh khác của việc trở nên thông minh là bạn có thể xử lý các thông tin đã được trau dồi và áp dụng vào thế giới thực. Khi tâm trí không tĩnh lặng, đầu óc đầy ắp những phiền toái, những nội dung liên tục được nói ra nói vào, bạn rất khó để nhận và đồng hóa thông tin mới, chứ đừng nói đến việc hiểu ý nghĩa của chúng.
Đây là lý do vì sao mọi người nói rằng họ cần thời gian để suy nghĩ. Ở đây, thời gian và sự im lặng là điều tương tự. Trạng thái im lặng là một trạng thái mở và dễ tiếp thu. Bạn có bao giờ nảy ra những ý tưởng rất độc đáo khi đang tắm hay đang ngủ không? Điều này là do bạn đang hoạt động trong một trạng thái thư giãn và nhận thức mở.
Im lặng cho phép chúng ta lùi lại một bước so với bất cứ điều gì chúng ta nhìn thấy hoặc nghe thấy, và quan sát từ góc độ bình tĩnh và lý trí. Nó sẽ cho phép chúng ta chứng kiến những gì xảy ra, mà không có sự thiên vị và phán xét cá nhân.
Cơ hội để bình tĩnh và chọn lọc cách phản ứng
Tất cả chúng ta đều từng nói ra những lời không nên nói: như bí mật của một người bạn mà ta vô tình biết được, bàn tán về ai đó vì ghen tuông hay đổ lỗi cho người khác về điều họ không làm. Nhưng ngay sau khi nói ra điều đó, bạn sẽ cảm thấy có lỗi vì đã nói điều không nên nói. Chúng ta làm tổn thương người khác và chúng ta làm tổn thương chính mình khi chúng ta không kiểm soát được lời nói của mình.
Đây là những điều xảy ra khi chúng ta phản ứng quá nhanh. Phát triển thói quen im lặng bên trong và bên ngoài cho chúng ta thời gian để xử lý và sàng lọc suy nghĩ của mình, và cho phép chúng ta phản ứng thông minh với bất cứ điều gì đang xảy ra. Điều này có nghĩa là lời nói của chúng ta sẽ được lựa chọn cẩn thận và sẽ được nói một cách bình tĩnh và tự tin.
Khi bạn bình tĩnh lại, bạn sẽ thấy những gì mình nói quan trọng hơn, đúng sự thật và ít phù phiếm hơn. Với những ý kiến có giá trị đó, người nghe cũng sẽ tập trung hơn và thu thập được nhiều thông tin hơn từ đó, từ đó có những đánh giá về năng lực cá nhân.
Và có những mối quan hệ tốt hơn
Nhiều người phàn nàn về việc không được nghe, không được hiểu. Đây là lý do tại sao mọi người thường xuyên cảm thấy cô đơn dù là trong một mối quan hệ thân mật. Nhưng điều này có thể được đảo ngược nếu họ cũng học cách nói ít đi và lắng nghe nhiều hơn.
Bạn có nhận thấy rằng khi bạn trong một cuộc trò chuyện, bạn không nghe lời người khác nói nhiều mà chỉ tìm một cơ hội để nói lên ý kiến của mình? Chờ đợi để phản ứng với những gì chúng ta nghĩ rằng người khác đang nói, ngay cả trước khi họ nói xong? Các cuộc trò chuyện như thế này không dẫn đến đâu và thường có thể khiến mọi người cảm thấy xa lạ và bối rối hơn về các vấn đề của họ.
Khi bạn thực sự lắng nghe, người khác cũng sẽ dễ dàng cởi mở với bạn hơn. Bởi khi đối diện với vấn đề khó khăn, cái người ta cần đôi khi không phải là một lời khuyên mà chỉ đơn thuần là sự lắng nghe. Có một người thực sự lắng nghe bạn mới là phương thuốc điều trị sâu sắc.
Nguồn Hội Buôn chuyện
Để lại một bình luận