Một phần tranh của họa sĩ Hy Lạp El Greco (1541-1614) vẽ câu chuyện Đức Chúa Thánh Thần thổi những luồng gió trở thành lửa lùa vào các môn đệ.
Bài LM VINCENTÊ PHẠM NGỌC HÙNG
Trong những ngày trước khi về trời, Chúa Giêsu hứa sẽ ban Đức Chúa Thánh Thần cho các môn đệ của Ngài, là Hội Thánh mới được thành lập. Ngài là Đấng Bảo Trợ và sẽ ở với Hội Thánh Chúa cho đến ngày tận thế. Do vậy niềm tin vào sự hiện diện và hoạt động của Đức Chúa Thánh Thần trong đời sống của Giáo Hội là một niềm tin quan trọng, giúp củng cố niềm tin của chúng ta vào ơn cứu độ của Thiên Chúa.
Theo các bài đọc trong ngày Chúa Nhật hôm nay, sự kiện Đức Chúa Thánh Thần hiện xuống là một biến cố xác thực, khai sinh ra Giáo Hội mà Chúa Giêsu đã thiết lập. Bài đọc một kể lại rằng Đức Chúa Thánh Thần đã hiện xuống như một luồng gió thổi mạnh từ trời, lùa vào nơi các môn đệ đang tụ họp. Luồng gió bỗng chốc trở thành những lưỡi lửa đậu trên từng người, và “hết thảy mọi người đều được tràn đầy Chúa Thánh Thần, và bắt đầu nói tiếng khác nhau tùy theo Thánh Thần ban cho họ.”
Ơn nói được nhiều thứ tiếng khác nhau vào dịp Lễ Ngũ Tuần của người Do Thái là điều cần thiết bởi vì, trong dịp này, người Do Thái ở khắp nơi xa gần lũ lượt kéo nhau về Giêrusalem để mừng lễ, và những người này nói nhiều ngôn ngữ khác nhau như bài đọc một đã kể lại. Nhờ vào ơn ngôn ngữ được Chúa Thánh Thần ban cho, các tông đồ có thể giảng về Chúa Kitô Phục Sinh cho nhiều người nghe một cách dễ dàng. Chính vì lý do này mà biến cố Đức Chúa Thánh Thần hiện xuống còn được coi là ngày khai sinh ra Giáo Hội.
Bài Tin Mừng cũng mô tả sự kiện Đức Chúa Thánh Thần hiện xuống, nhưng đã xảy ra trong cùng một biến cố phục sinh của Chúa Giêsu, được trình bày qua những điểm quan trọng như sau: (1) Chúa Giêsu đã hiện ra trong ngày thứ nhất trong tuần; (2) mặc dù cửa đóng kín, Chúa vẫn có thể đi vào trong phòng họp và đứng giữa các tông đồ; (3) lời chào đầu tiên của Chúa Giêsu là lời chúc bình an; và (4) Ngài thổi hơi trên các ông và phán bảo các ông, “Các con hãy nhận lấy Thánh Thần.”
Ngày thứ nhất trong tuần là ngày Chúa sống lại. Do vậy ngay từ thế kỷ đầu Giáo Hội gọi ngày này là ngày của Chúa, mà hôm nay chúng ta gọi là ngày Chúa Nhật (không phải là ngày Chủ Nhật). Trước đó người Do Thái lấy ngày thứ Bảy, tức là ngày Sabbát, làm trọng tâm cho đời sống tôn giáo, nhưng biến cố phục sinh của Chúa Giêsu đã đem lại cho các Kitô hữu một trọng tâm mới. Đó là ngày thứ nhất trong tuần, ngày Chúa Nhật. Ngày hôm nay, chúng ta cử hành Thánh Lễ Chúa Nhật là chúng ta mừng Chúa Kitô phục sinh.
Điểm thứ hai là các cánh cửa nhà các môn đệ họp đều đã đóng kín, nhưng Chúa Giêsu vẫn có thể tới với các ông. Thông thường không ai có thể đi xuyên qua tường hay qua cửa để vào bên trong được, nhưng Chúa Giêsu đã làm được điều đó vì thân xác phục sinh của Ngài là thân xác vinh hiển, không một vật gì có thể giới hạn được sự chuyển động của thân xác này.
Điểm thứ ba là lời Chúa chúc bình an cho các tông đồ. Đây là lời chúc cần thiết bởi vì các ông đang sợ hãi người Do Thái có thể tới bất cứ lúc nào bắt các ông đi hành hình. Do vậy các ông rất cần được Chúa ban bình an. Theo văn hóa của người Do Thái, lời chúc bình an còn bao gồm ơn khỏe mạnh, hạnh phúc, và mọi sự tốt may lành.
Điểm sau cùng là Chúa thổi hơi trên các tông đồ. Hình ảnh này gợi nhớ lại câu chuyện Chúa tạo dựng nên Adong và thổi hơi vào mũi ông. Lập tức ông từ bùn đất trở thành một con người sống động (St 2:7), hoặc một câu chuyện khác trong sách Tiên Tri Êzêkien kể về việc Thiên Chúa phục hồi lại sự sống cho người Do Thái sau thời kỳ lưu đày. Họ như những đống xương khô, nhưng khi có được thần khí Thiên Chúa thổi hơi trên họ, thì đống xương khô đã trở nên một đạo binh đông đảo với sức sống mãnh liệt.
Sau khi đã thổi hơi trên các tông đồ, ơn đầu tiên mà Chúa Giêsu đã ban cho các ông đó là quyền tha tội, “Các con tha tội cho ai, thì tội người ấy được tha. Các con cầm tội ai, thì tội người ấy bị cầm lại.” Đây là quyền năng cần thiết để tiếp tục sứ vụ của Chúa Giêsu chuộc tội nhân loại, và quyền năng này là nền tảng cho Bí Tích Hòa Giải mà ngày hôm nay qua đó chúng ta tiếp tục đón nhận ơn tha tội của Thiên Chúa.
Đức Chúa Thánh Thần ngự xuống để khai sinh ra Giáo Hội, và không ngừng hoạt động để Giáo Hội tiếp tục được mở rộng và hiệp nhất trong cùng một đức tin. Chính nhờ ơn Chúa Thánh Thần ban mà tội lỗi chúng ta được tha thứ để có thể đạt tới ơn cứu độ viên mãn mà Chúa Giêsu đã hứa ban.
Source: http://wp.ftn61.com
Category: Hỏi Đáp
Để lại một bình luận