Học giỏi môn Văn 9 bằng cách nào để điểm thi vào lớp 10 đạt điểm số cao nhất? Làm thế nào để không bị “điên đầu” với những con chữ? Ngay dưới đây Hội Buôn Chuyện sẽ mách bạn cách chinh phục môn học khó nhằn này nhé!
Ngữ Văn là môn thi bắt buộc trong kỳ tuyển sinh vào lớp 10. Ngay cả trong phân phối chương trình học ở tất cả các cấp, Ngữ Văn cũng chiếm số giờ học cao. Học Văn không phải chỉ để kiếm điểm, trả bài, có kết quả ghi vào sổ học bạ. Văn học còn dạy cho người ta biết cảm nhận cái hay cái đẹp, nói không với cái xấu. Văn học cũng giúp cho chúng ta hoàn thiện hơn kỹ năng sử dụng ngôn ngữ. Và quan trọng hơn, Văn học dạy chúng ta cách làm người.
Thế nhưng dường như môn Văn luôn bị hắt hủi. Học sinh các cấp đều hứng thú với sự logic và bí ẩn của môn Toán. Sự mới lạ của Tiếng Anh khiến học sinh tò mò. Những khám phá kì bí của Vật Lý giúp học sinh ứng dụng ngay được vào thực tế. Còn môn Ngữ Văn, đều là những câu từ sáo rỗng, nói cho hay, cho văn vẻ.
Học giỏi môn Văn 9 bằng cách nào để điểm thi vào 10 đạt kết quả cao nhất? Làm thế nào để học sinh “có hứng” với môn học này. Dưới đây Hội Buôn Chuyện sẽ chia sẻ vài “bí kíp” cho các teen nhà mình để năm sau thi vào 10 nhé!
Điều quan trọng nhất phải thật chăm
Muốn học giỏi môn gì cũng phải chăm cả. Nhưng muốn học giỏi môn Văn 9 thì phải chăm hơn. Tại sao thế? Vì chương trình Ngữ Văn lớp 9 trải dài từ thời trung đại, đến cận đại rồi hiện đại. Nghĩa là nó đi qua cả một quá trình lịch sử dài. Đồng nghĩa với việc hoàn cảnh sáng tác, phong cách viết sẽ rất khác nhau. Nếu bạn không chăm làm sao theo kịp sự biến đổi của mấy trăm năm lịch sử ấy?
Hơn nữa, văn chương thì nhiều chữ. Nó không gãy gọn như mấy cái công thức, ký hiệu của Toán hay Vật Lý. Để “nhồi nhét” và “tuôn” ra được một số lượng chữ nhất định, bạn phải chăm. Bạn phải học cách yêu lấy những con chữ, từng từ từng câu. Bạn không chỉ phải đọc, phải học thuộc, mà còn phải luyện viết rất nhiều nữa.
-
Chuẩn bị bài kỹ
Nhiều bạn thắc mắc tại sao thầy cô giáo dạy Văn cứ bắt soạn bài trước. Đây là một phương pháp hữu hiệu để bạn “theo kịp” môn Văn đấy nhé. Việc chuẩn bị bài trước sẽ giúp bạn đỡ bỡ ngỡ khi tiếp cận bài học. Sẽ có rất nhiều thông tin bạn phải nắm được trong một tiết học. Những thứ bạn chưa biết, chưa hiểu sẽ được giáo viên tiết lộ trong bài giảng. Từ đó bạn sẽ thấy tiết học thú vị hơn.
Còn nếu bạn thấy chuẩn bị bài ở nhà rồi, lên lớp khác gì trâu nhai lại cỏ? Không phải vậy đâu, đây là dịp để bạn tư duy và “hỏi vặn” lại giáo viên của mình đấy. Đừng ngần ngại đưa ra thắc mắc, quan điểm của mình để tiết học sôi nổi hơn bạn nhé! Học giỏi Văn 9 dễ như ăn kẹo thôi ấy mà!
-
Nắm vững cấu trúc bài văn
Nhiều bạn cực ngại viết bài làm văn. Lý do là cứ viết được vài ý thì lại gặp ngay ông “Lý Bí”. Xong tự dưng thắc mắc tại sao nhiều bạn viết giỏi thế, viết kín hẳn bốn trang giấy thi và xin thêm tờ nữa. Mẹo cho các bạn là học giỏi môn Văn 9 cũng y như học Toán nhé. Để giải một đề Văn bạn cũng phải trải qua từng bước như giải Toán.
Ví dụ như đề bài yêu cầu phân tích đoạn thơ “Kiều ở lầu Ngưng Bích”. Mô típ quen thuộc chắc chắn ăn điểm để làm bài là: Giới thiệu tác giả Nguyễn Du. Giới thiệu hoàn cảnh sáng tác. Giới thiệu vị trí đoạn thơ trong tác phẩm “Truyện Kiều”. Đấy, chỉ đơn giản vậy bạn đã xong phần mở bài. Còn phần thân bài, nếu bạn chưa đủ khả năng để bay bổng với con chữ, thì cứ bám sát nội dung từng từ. Lắng nghe bài giảng của thầy cô trên lớp là đủ để bạn hiểu được tác phẩm rồi.
-
Ngữ pháp, chính tả phải đúng
Làm bài đúng theo những gì thầy cô giảng rồi mà vẫn bị điểm kém? Lúc đó bạn cần phải xem lại chính tả của mình ngay. Bạn có viết sai từ nào không, câu cú có vấn đề gì không? Cách hành văn của bạn có khiến người đọc khó hiểu hay không?
Học đến tận lớp 9 vẫn có rất nhiều bạn không phân biệt được cách dùng “r”, “d”, và “gi”. Hay là viết tắt ở những chỗ không được phép như là “Bốn năm” thay vì “4 năm’. Chỉ một chút tiểu tiết nhỏ như vậy thôi cũng khiến bạn bị mất điểm rồi. Nếu bạn kém từ vựng, hãy mua cho mình một cuốn từ điển tiếng Việt. Hoặc tiện lợi hơn, khi gặp từ nào không chắc chắn, hãy tra Google. Khi đúng chính tả và ngữ pháp, bạn không chỉ học giỏi Văn 9 đâu, bạn sẽ giỏi cả viết lách cơ bản luôn!
-
Đặt mình vào nhân vật
Để hiểu tác phẩm, bạn phải hiểu nhân vật. Để hiểu nhân vật, bạn phải hóa thân mình vào nhân vật. Khi bạn đặt được mình vào trong hoàn cảnh của nhân vật, bạn sẽ hiểu được cảm xúc của nhân vật đó.
Rất đơn giản thôi, giống như khi chúng ta muốn thấu hiểu bố mẹ ấy. Chúng ta cũng phải đặt mình vào vị trí của họ, rằng họ vất vả cực nhọc như nào, hy vọng vào con cái như nào. Học cách hóa thân vào nhân vật, sẽ giúp bạn phát triển được ý tứ khi viết bài làm văn. Ngoài ra, bạn cũng học được cách lắng nghe và thấu hiểu cảm xúc của người khác. Thật là một công đôi việc đúng không nào. Vừa học giỏi môn Văn 9 lại còn trở thành một người tâm lý nữa chứ!
-
Đọc nhiều sách
Việc đọc cực kỳ quan trọng để có thể viết văn trơn tru suôn sẻ. Càng đọc nhiều bạn sẽ càng làm quen được với cách hành văn, cách dùng từ đặt câu. Không nhà văn nhà thơ nào thành tài mà lười đọc cả. Nếu bạn không có ý định trở thành nhà văn nhà thơ cũng không sao. Nhưng ít nhất, việc đọc cũng mang lại cho bạn một khối lượng tri thức lớn, lại giúp bạn quen thộc với từ ngữ hơn.
Việc giao tiếp với bạn bè thường ngày cũng giúp bạn học giỏi môn Văn 9 hơn, thật đấy! Để cất lên một câu nói, bạn cũng phải lựa chọn từ ngữ, sắp xếp câu mà. Khi bạn càng chú trọng và trau chuốt đến phát ngôn của mình, bạn sẽ nói được những thứ “chất” hơn. Đấy cũng là “hành văn” rồi đấy bạn ạ.
Ngoài ra, việc nhắn tin chat chít với bạn bè mỗi ngày cũng giúp bạn luyện khả năng câu từ. Việc bình luận hay đăng status trên mạng xã hội giúp bạn phát triển khả năng tư duy. Hãy cố gắng trò chuyện với một người nào đó giỏi Văn hơn bạn, từ đó bạn sẽ học Văn dễ dàng hơn.
-
Luyện viết chữ
Để viết khỏe, bạn phải viết nhiều. Càng viết bạn sẽ càng ham, càng cảm thấy thú vị. Nhưng hầu hết học sinh chúng ta chỉ viết khi có yêu cầu của giáo viên Văn!
Bạn có biết viết ra một thứ gì đó cũng là cách để giải tỏa căng thẳng? Viết nhật ký trên giấy này, trên blog này, hay cái status dài loằng ngoằng trên Facebook thôi. Bạn sẽ thấy nhẹ lòng hơn đúng không nào? Viết rồi, bạn hãy để đó, một vài ngày sau đọc lại và sửa những chỗ cần thiết. Cứ như thế, sẽ tạo thành thói quen viết lách với bạn. Việc học giỏi Văn 9 sẽ chẳng còn xa vời!
-
Mở rộng vấn đề
Ngữ Văn chẳng có tính ứng dụng gì trong cuộc sống, có thật vậy không? Đấy là khi bạn không biết mở rộng vấn đề ra để nhìn vào thực tế cuộc sống. Quay trở lại trích đoạn “Kiều ở lầu Ngưng Bích”. Khi bạn phân tích về đoạn trích, bạn có thể liên hệ đến thân phận của người phụ nữ trong xã hội cũ. Bạn cũng có thể suy nghĩ về phụ nữ của xã hội hiện đại, có gì khác, có gì đổi mới. Sự thay đổi của xã hội có khiến phụ nữ có được cuộc sống hạnh phúc hơn hay không, bla bla…
Cả một bầu trời lý tưởng và triết lý sống sẽ mở ra khi bạn mở rộng được vấn đề của tác phẩm. Mục đích của các nhà làm giáo dục cũng không chỉ là để học sinh tìm hiểu về văn chương. Hãy tận dụng và phát huy khả năng tư duy của mình để hiểu sâu, hiểu xa hơn về thế giới các bạn nhé!
Điều cần phải tránh
Để đạt điểm cao với môn Văn, các bạn cần tránh xa những lầm tưởng không đáng có sau:
Học Văn không phải là “chém gió”. Hãy ghi nhớ thật kĩ lời khuyên của Hội Buôn Chuyện : Viết trúng – viết đúng – tránh tuyệt đối việc lạc đề theo kiểu đề hỏi vấn đề này nhưng lại “phiêu” sang vấn đề khác của tác phẩm.
Viết văn không buộc phải viết dài. Nhiều người lầm tưởng viết văn phải viết dài mới được điểm cao. Tuy nhiên, cô Nguyễn Thị Thu Trang – giáo viên Văn đã khẳng định: “Trong bài thi Ngữ Văn, các bạn học sinh cần viết ngắn gọn, cô đọng và khai thác đề bài tối đa”. Có như vậy mới được điểm cao trong bài thi.
Văn không phải là học thuộc. Nhiều bạn vẫn lầm tưởng học văn thì chỉ cần học thuộc văn mẫu là đủ. Thực chất, việc học thuộc tràn lan và đọc văn mẫu là sai lầm học sinh cần tránh. Các bạn hãy bám sát vở ghi trên lớp, đây là nguồn tài liệu quen thuộc, dễ hiểu hơn rất nhiều.
Tránh ngay hiên tượng học tủ khi học Văn. “Học Văn có thể học tủ” là suy nghĩ hoàn toàn sai lầm. Đã có những lần đề thi năm trước hỏi 1 tác phẩm, đề thi năm sau vẫn tác phẩm ấy nhưng lại hỏi một khía cạnh khác. Vì vậy chúng ta chỉ có thể khoanh vùng kiến thức cần học chứ không thể hoàn toàn bỏ bất cứ tác phẩm nào.
Để lại một bình luận