Tóm tắt nội dung bài viết
Những loại hoa chữa bệnh hiệu quả
Các loài hoa không chỉ đẹp, quyến rũ mà còn có nhiều tác dụng chữa bệnh. Trong y học cổ truyền, nhiều loài hoa còn được sử dụng để trị bệnh, phòng bệnh và tăng cường sức khỏe. Dưới đây Hội Buôn Chuyện đưa ra một số loài hoa quen thuộc được sử dụng làm thuốc nhiều trong y học cổ truyền.
Hoa Mai Trắng
Cây hoa mai trắng (bạch mai hoa) còn gọi là mơ, lạp mai, bạch mai, lạp mộc, hương mai, hoàng lạp, tuyết lý hoa…
Theo y học hiện đại, hoa mai trắng có tác dụng thúc đẩy bài tiết dịch mật, ức chế một số loại vi khuẩn như coli, trực khuẩn lỵ, trực khuẩn thương hàn, phẩy khuẩn tả, trực khuẩn lao… Theo Đông y, hoa mai trắng vị ngọt hơi đắng, tính ấm, không độc, có công dụng giải thử sinh tân, khai vị tán uất, hóa đàm, thường được dùng để chữa các chứng bệnh như sốt cao phiền khát, tức ngực, ho, hầu họng sưng đau, bỏng, lao hạch, chán ăn, chóng mặt, viêm đường hô hấp, giúp long đờm.
Hoa Đỗ Quyên
Đỗ quyên còn có tên là sơn thạch lựu, ánh sơn hồng, mãn sơn hồng, báo xuân hoa, thanh minh hoa, sơn trà hoa… Hoa đỗ quyên vị chua ngọt, tính ấm, có công dụng hòa huyết, trừ đàm, làm hết ngứa, được dùng để chữa các chứng viêm khí phế quản, nôn ra máu, viêm dạ dày và đặc biệt là bệnh ở phụ nữ…
Sống Đời
Sống đời còn gọi là cây thuốc bỏng, lạc địa sinh căn, thổ tam thất, trường sinh, tên khoa học là Kalanchoe pinnata (Lam) Pers. Toàn thân cây có vị nhạt, chát, hơi chua, tính mát, có tác dụng giải độc, tiêu thũng, hoạt huyết chỉ thống, bạt độc sinh cơ.
Ở Ấn Độ, người ta dùng lá cây này đắp trị bỏng, vết thương, mụn nhọt và các vết cắn đốt của côn trùng. Ở Trung Quốc, toàn cây được dùng chữa ung sang thũng độc, viêm tuyến vú, đan độc, ngoại thương xuất huyết, đòn ngã, tổn thương, gãy xương, bỏng, viêm tai giữa.
Hoa Ngọc Lan
Hoa này có tên khác là ngọc lan hoa vàng, sứ hoa vàng hay hoàng lan, tên khoa học là Michelia champaca L. Hoa chứa tinh dầu có giá trị ngang với tinh dầu hoa hồng. Lá cũng chứa tinh dầu. Vỏ chứa một alcaloid ít độc.
Rễ và quả cây có vị đắng tính mát có tác dụng khư phong thấp, lợi hầu họng, kiện vị chỉ thống. Rễ khô và vỏ rễ có tính xổ, điều kinh. Vỏ thân có tác dụng giải nhiệt, hưng phấn, khư đàm, thu liềm. Hoa và quả có tác dụng làm phấn chấn, trấn kinh, khư phong, kiên vị, lợi niệu. Lá có tác dụng giải độc.
Hoa và quả chữa đầy hơi, buồn nôn và sốt lại có tác dụng lợi tiểu. Hạt và quả dùng trị nứt nẻ ở chân, hạt cũng dùng làm thuốc trị giun. Lá dùng làm thuốc trị đau yết hầu. Tinh dầu được dùng làm hương liệu, làm thuốc đắp trị đau đầu, viêm mắt và thống phong.
Thược Dược
Hoa Mẫu Đơn
Vỏ thân được dùng làm thuốc đau đầu, đau khớp, thổ huyết, khạc ra máu, đái ra máu, kinh bế, đau bụng kinh, mụn nhọt, lở độc và đòn ngã tổn thương. Vỏ là mẫu đơn bì, lợi kinh, lợi tiểu, tốt máu, kháng sinh, chống viêm, hạ hạt thần kinh trung khu, giảm đau, trị kinh phong, hạ nhiệt; chứa acetophenon đè nén sự quyến tụ của phiến bào, nên chống viêm, chống nhiệt.
Hoa Cúc
Hoa cúc được mệnh danh là loài hoa mẫu tử. Nó không chỉ đẹp về màu sắc, hình dáng mà còn đẹp hơn trong lòng mỗi người khi là một vị thuốc quý. Hoa cúc có nhiều loại như cúc vàng, cúc trắng, cúc đỏ…
Ngày nay, người ta còn cấy ghép, lai tạo ra nhiều giống cúc có hình thù và màu sắc độc đáo hơn. Tuy nhiên, để sử dụng trong chữa bệnh thì vẫn là giống cúc thuần túy. Chẳng hạn như: Cúc trắng có vị ngọt, hơi đắng và tính hàn. Cúc vàng có vị đắng, hơi cay và có tính ôn hòa.
Người ta sử dụng hoa cúc để bào chế thành thuốc chữa các chứng bệnh thường gặp như: Đau đầu, cao huyết áp, đau mắt hay sốt và sử dụng dưới dạng thuốc sắc siêu đất.
Bên cạnh đó, hoa cúc có chứa nhiều thành phần hoạt tính có lợi như loại tinh dầu, tannin, chất nhầy, flavonoid, chất đắng, axit hữu cơ, chất nhựa và inulin,… Những thành phần hoạt tính này được tìm thấy ở tất cả các bộ phận của cây và có nhiều công dụng đối với sức khoẻ.
Thông thường, hoa cúc được sử dụng để làm trà hoa cúc, thức uống thanh tao và mang lại nhiều lợi ích cho sức khoẻ. Có nhiều cách làm trà hoa cúc với những nguyên liệu khác nhau như mật ong, cam thảo, atiso,…
Một trong số đó, cách pha trà hoa cúc đơn giản nhất là dùng hai muỗng hoa cúc khô cho vào một tách nước nóng và ngâm nó khoảng 10 phút. Sau đó, vớt ra và bạn sẽ có một tách trà thơm ngon. Bạn nên uống 3 tách nhỏ mỗi ngày để nhận được tối đa tác dụng của trà hoa cúc đối với sức khỏe.
Hoa Mào Gà
Kê quan hoa là cụm hoa mào gà đỏ. Thu hái vào mùa thu, khi hoa đang nở, cả hoa và hạt đem phơi khô. Theo y học cổ truyền, kê quan hoa có vị ngọt, tính mát, có tác dụng tiêu viêm, cầm máu.
Thường dùng hạt và hoa sắc uống để cầm máu trong các trường hợp lỵ ra máu, trĩ ra máu, thổ huyết, băng huyết, đái ra máu, rong kinh.
Nước sắc hoa và hạt dùng rửa đau mắt. Hoa và lá còn dùng chữa sốt ở trẻ em. Hạt nhai nuốt nước, lấy bã đắp trị rắn cắn. Kê quan hoa còn dùng chữa khí hư, xích bạch đới và viêm đường tiết niệu.
Hoa mào gà là loại cây mọc quanh năm, phân bố khắp nơi trên nước ta, có nguồn gốc từ Ấn Độ. Hoa mào gà trắng có thân thẳng đứng, nhiều cành, cao từ 0,3 đến 1 mét. Lá mọc so le, hình mác, đầu nhọn. Hoa mào gà trắng không có cuống, có nhiều hạt. Hạt thường có màu đen hoặc nâu đỏ, mặt bóng, kích thước cỡ một mi-li-mét.
Khi soi bằng kính lúp, có thể thấy các đường vân trên bề mặt hạt. Hoa mào gà trắng có vị đắng, hơi hàn. Có tác dụng khử phong nhiệt, thanh can hỏa, làm sáng mắt. Thuốc này còn dùng cầm máu, chữa tiêu chảy, lỵ, lòi dom, chảy máu ruột, thổ huyết, tử cung xuất huyết, bệnh về gan và mắt…
Hoa mào gà đỏ có vị ngọt, tính lương. Dùng chữa bạch lỵ, thanh nhiệt, trĩ chảy máu…và nhiều bài thuốc khác như hoa mào gà trắng….
Hoa Hiên
Hoa hiên hay còn gọi là hoa kim châm. Hoa hiên được biết đến là loài hoa có vị ngọt mát có tác dụng giúp thanh nhiệt cơ thể, thông sữa cho phụ nữ mới sinh con và làm sáng mắt ở người cao tuổi.
Ngoài ra người ta dùng hoa hiên kết hợp với ngải cứu, ích mẫu, rễ củ gai rồi đem sắc nước uống có tác dụng chữa kinh nguyệt không đều. Bên cạnh đó, hoa hiên phối hợp với bồ công anh đem sắc lấy nước uống có thể chữa chứng tắc sữa ở phụ nữ mới sinh.
Năm 1964, Đại học Y Hà Nội nghiên cứu cơ chế tác dụng của hoa hiên trên súc vật và nhận thấy nó làm tăng tiểu cầu, hồng cầu nhưng số lượng và công thức bạch cầu không thay đổi; tăng trương lực của tử cung và thành ruột cô lập.
Theo Đông y, hoa hiên vị ngọt, tính mát, có tác dụng chữa vàng da do rượu, tiểu tiện ra sỏi, sạn, vú sưng đau, chảy máu cam. Nó thường được dùng làm thuốc lợi tiểu, giảm đau, chữa sốt, thủy thũng, thân thể bị vàng, tiểu tiện khó khăn, vú sưng đau, lỵ, chảy máu cam, sưng đau khớp xương, nôn ra máu.
Liều dùng hằng ngày là 6-12 g dưới dạng thuốc sắc hay ép tươi lấy nước uống. Dùng ngoài, lấy củ tươi giã nát đắp lên nơi sưng đau.
Hoa Nhài
Hoa nhài từ lâu đã được người ta biết đến là một loại “thần dược” có khả năng chữa trị các bệnh mất ngủ, tăng huyết áp hay tiêu chảy. Tuy nhiên, loài hoa tươi đẹp còn có nhiều tác dụng hơn thế. Với mùi hương nhẹ nhàng, thanh thoát của mình, loài hoa này còn có thể giúp con người ta thanh nhiệt, giải độc và điều hòa khí huyết rất tốt.
Cũng chính bởi các công dụng trên, hoa nhài đã trở thành một loại thảo dược không thể thiếu trong nhiều đơn thuốc Đông y. Bên cạnh đó cũng có rất nhiều người sử dụng trà hoa nhài mỗi ngày để giúp cho cơ thể mình khỏe mạnh cũng như tinh thần được thư thái hơn.
Hoa nhài là một loại cây thân gỗ, mọc thành bụi, lá bóng cả hai mặt và có phiến lá hình bầu dục hơi trái xoan, mọc đối. Hoa trắng và mọc thành cụm ở nách lá hay là ngọn cây, hoa nhài thường hay nở vào ban đêm, cũng có khi nở rộ vào giữa trưa.
Hoa nhài có tính bình, hơi hàn, và vị đắng có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, lợi thấp, hoạt huyết, tiêu thũng… Bộ phận sử dụng làm thuốc là hoa và rễ. Trong hoa nhài chứa chất béo thơm khoảng chừng 0,08%. Rễ tuy độc nhưng được dùng làm thuốc giảm đau.
Theo y học cổ truyền, hoa và lá nhài có vị cay và ngọt, tính mát; và có tác dụng trấn thống, lợi thấp, thanh nhiệt giải biểu. Có công dụng trị ngoại cảm phát sốt, mụn nhọt độc, đau bụng. Hoa sắc nước dùng rửa mặt, chữa viêm màng khóe mắt và màng mộng, sởi mọc không đều, chữa trẻ em lên sởi có sốt. Lá của cây hoa nhài cũng dùng trị bạch đới.
Hoa Sen
Hoa sen, loài hoa có vẻ đẹp thanh khiết, bình dị tượng trưng cho sự thanh cao, bất khuất của con người trước mọi nghịch cảnh được bình chọn là quốc hoa của Việt Nam. Không chỉ vậy, tất cả các sản phẩm từ loài hoa này như thân, lá, rễ, hoa… còn có những tính năng kỳ diệu để chữa bệnh và làm đẹp.
Hoa sen là một loài hoa đã quá quen thuộc với người dân Việt Nam, và đây cũng chính là loài tươi đẹp nhất được trồng khá nhiều ở các vùng quê yên bình. Do đã thân thuộc loài hoa này nên từ lâu người ta đã khám phá ra hết các công dụng của nó, từ dùng để trang trí đến làm thực phẩm, làm trà, và cả làm thuốc nữa.
Những người học về đông y cho biết, trong hoa sen có một chất có tác dụng chữa trị các vết thâm rất tốt. Do vậy, nhiều người đã tìm mua cho bằng được tinh chất hoa sen này để chữa trị vết thâm cũng như chăm sóc cho làn da của họ.
Hoa sen to, có màu trắng và đỏ hồng, nhị hoa màu vàng và những lá noãn gắn với cánh hoa. Những lá noãn này về sau sẽ hình thành hạt, mỗi lá noãn là một hạt sen. Thân rễ hình trụ mọc ở trong bùn thường gọi là ngó sen hay ngẫu tiết, ăn được, lá còn gọi là liên diệp mọc lên khỏi mặt nước, cuống lá dài, có gai nhỏ, phiến lá hình khiên, to, đường kính 60-70cm có gân toả tròn.
Hoa to màu trắng hay đỏ hồng, đều lưỡng tính. Đài 3-5, màu lục, tràng gồm nhiều cánh màu hồng hay trắng một phần, những cánh ngoài còn có màu lục như lá đài. Nhị nhiều, bao phấn 2 ô, nứt theo một kẽ dọc. Trung đói mọc dài ra thành một phần hình trắng thường gọi là gạo sen dùng để ướp chè.
Nhiều lá noãn dời nhau đựng trong một đế hoa loe ra thành hình nón ngược gọi là gương sen hay liên phòng. Mỗi lá noãn có 1-3 tiểu noãn. Quả chứa hạt gọi là liên nhục không nội nhũ. Hai lá mầm dày. Chồi mầm còn gọi là liên tâm gồm 4 lá non gập vào phía trong.
Hoa Sim
Cây hoa sim, loài hoa dại mạnh mẽ của đất trời, hoa sim mang một màu tím nhẹ nhàng và vẻ đẹp thanh thoát, không những thế, cây sim còn cho quả ngọt ăn rất ngon và mang nhiều công dụng. Cùng nhau tìm hiểu xem cây hoa sim có ý nghĩa như thế nào nhé.
Có thể bạn chưa biết, bên cạnh các công dụng dùng để làm rượu, làm siro, làm trà hoa thì hoa sim cũng nằm trong danh sách những loài cây có công dụng chữa bệnh tốt nhất. Và tất cả các bộ phận như quả, lá hãy rễ sim đều có thể dùng được để làm thuốc.
Chúng có thể được dùng để cầm máu, chữa đau đầu hoặc để thải độc rất tốt. Do vậy, loài hoa này được trồng khá nhiều ở nước ta và thường phổ biến hơn ở vùng đồi núi.
Hoa sim thường có hai loại màu tím và màu trắng. Tuy nhiên dù màu nào đi nữa nó đều chứa chất tannin, riboflavin và axit nicotinic…do đó hoa sim không chỉ được biết đến với tác dụng chống oxy hóa, trung hòa cùng các gốc tự do trong cơ thể.
Hoa sim mang lại lợi ích về kinh tế, ngày xưa người ta hay mua quả sim để ăn còn bây giờ thì quả sim được dùng nhiều để ngâm rượu, rượu sim có vị ngọt ngọt dễ uống được nhiều người yêu thích. Ngoài những lợi ích về kinh tế, các bộ phận của cây Sim như rễ, lá và trái Sim đều được sử dụng làm dược liệu trong y học cổ truyền Việt Nam.
Hoa Gạo
Cứ đến độ tháng 3, tháng 4, hoa gạo lại nở đỏ rực khắp chốn làng quê. Hầu như làng quê nào cũng có một cây gạo, thường mọc ở đầu làng hoặc giữa đồng. Hoa gạo nở rộ làm nao lòng người trẩy hội.
Nhưng ít ai biết được rằng, ngoài việc tô điểm thêm vẻ đẹp yên bình cho làng quê, góc phố loài hoa này còn có thể sử dụng trong những bài thuốc chữa bệnh. Và cũng không chỉ hoa gạo, rất nhiều bộ phận khác của cây gạo có thể được sử dụng để chữa bệnh.
Theo Đông y hoa gạo có vị đắng chát hơi ngọt, tính bình, có công hiệu làm se, thu sáp, sát khuẩn, tiêu viêm, thông huyết nên được sử dụng làm thuốc chữa trị mụn nhọt.
Dược liệu được thu hoạch từ những bông hoa gạo lành lặn đem sấy khô bằng lửa nhỏ hay phơi khô dưới nắng nhẹ cất đi sử dụng làm thuốc chữa trị bệnh.
Hoa gạo vị ngọt, tính mát, có tác dụng thanh nhiệt, lợi thấp, giải độc chỉ huyết có công dụng trị tiêu chảy, kiết lị, tiêu viêm, giải độc, sát khuẩn, thông huyết. Rễ gạo có vị ngọt, tính mát, có công dụng thanh nhiệt lợi thấp, thu liễm chỉ huyết. Trong y học hiện đại cũng cho thấy, hoa gạo chứa các axit amin, pectin tanin, đường và nhiều nguyên tố vi lượng.
Hoa Quỳnh
Hoa quỳnh được mệnh danh là nữ hoàng của bóng đêm bởi đây là loài hoa đẹp chỉ nở vào ban đêm. Loài hoa này còn có công dụng chữa bệnh rất tốt.
Hoa quỳnh chữa được rất nhiều bệnh như sỏi thận, niệu quản, bàng quang… Hoa quỳnh hái lúc mới nở là tốt nhất, bạn có thể để tươi hoặc phơi, thái nhỏ, tẩm mật, sao vàng. Sau đó, hãm với nước sôi như pha trà để uống.
Trong dân gian, hoa quỳnh được xem là vị thuốc đặc trị các bệnh ở phổi và hệ hô hấp. Để trị ho long đờm, người ta lấy hoa quỳnh mới nở đem thái nhỏ hấp cách thủy với mật ong hoặc nấu với trứng gà ăn trong ngày. Trẻ em thì dùng 1 hoa còn người lớn thì dùng từ 2 đến 3 hoa.
Ho do viêm họng có thể dùng bài thuốc: 30g hoa quỳnh, 10g lá xương xông (ảnh) cũng thái nhỏ cho vào bát với 10ml mật ong, đun cách thủy khoảng 30 phút, trộn đều để uống dần trong ngày.
Dân gian cũng ngâm rượu hoa quỳnh để chữa đau bụng và bôi các vết bầm tím hiệu quả. Rượu hoa quỳnh ngâm bằng hoa tươi, để càng lâu càng tốt, tuy nhiên nếu dùng ngay thì khoảng 10-15 ngày sau khi ngâm là dùng được. Mỗi ngày uống khoảng 1-2ml chia làm hai lần. Rượu này có thể giữ được đến vài năm để sử dụng dần.
Một số tài liệu của nước ngoài có ghi chép rằng, nếu như bạn bị viêm phế quản, lao phổi, lao hạch có thể chế biến hoa quỳnh với thịt lợn thành món ăn để trị bệnh.
Hoa Bưởi
Hoa bưởi không chỉ đẹp với mùi thơm dịu nhẹ mà có nhiều tác dụng ít ngờ tới. Vào mùa hoa bưởi tháng 3, bạn chỉ cần một vài nhánh hoa bưởi đặt trong nhà thì ở đâu bạn cũng thấy cái mùi thơm dịu phẳng phất trong không gian. Những hoa bưởi không chỉ để ngắm.
Bưởi có rất nhiều tác dụng. Trong đó, lá, hoa, vỏ quả bưởi là nguyên liệu cần thiết trong các bài thuốc Đông y. Lá, hoa bưởi đều chứa tinh dầu nên thường được dùng để xông giải cảm. Hoa bưởi có tác dụng tích cực với hệ hô hấp, mùi hương bưởi giúp giải cảm, thư giãn, giảm stress, giúp tỉnh táo, minh mẫn…
Mặt khác, hoa bưởi còn là một vị thuốc tốt có tác dụng chữa ho đờm, đau dạ dày, đau đầu do mệt mỏi, thông đại tiện…Bên cạnh đó, tác dụng ít ngờ tới của hoa bưởi là dân gian thường dùng hoa bưởi để chưng cất thành tinh dầu làm đẹp, gội đầu, tắm rửa hoặc xông hơi… Nước hoa bưởi được dùng cho các món chè, món bánh, món cháo.
Để làm tinh dầu hoa bưởi nguyên chất, bạn chỉ cần ngắt từng bông hoa bưởi ra rồi rửa sạch để ráo nước. Lọ ướp hoa bưởi nên lấy bình thủy tinh. Khi lọ đã khô bạn rải một lớp hoa bưởi phía dưới cùng rồi rải tiếp một lớp đường cát trắng lên phía trên theo tỷ lệ 1 cân đường/ 1kg hoa bưởi. Cuối cùng đậy bình thật kín khoảng 10 ngày để hoa bắt đầu chảy nhựa thành những tinh dầu. Bảo quản ngăn mát tủ lạnh.
Tầm Xuân
Hoa Hòe
Cây này còn gọi là hòe hoa, hòe mễ, lài luồng (Tày), tên khoa học là Sophora japonica L. Hoa hòe có màu vàng, vị hơi đắng, dài 0,5-0,8 cm, rộng 0,2-0,3 cm, cánh hoa vàng nâu, đài hoa vàng xám.
Nụ hoa đã phơi hoặc sấy nhẹ đến khô dùng làm dược liệu có tên khoa học là Flos Styphnolobii japonici imaturi. Nụ hòe có vị đắng nhạt, mùi thơm, tính bình; quả hòe có vị đắng, tính mát, đều có tác dụng hạ nhiệt, mát huyết, cầm máu, làm sáng mắt, bổ não. Ngày nay người ta còn biết thêm các tác dụng làm giảm tính thẩm thấu của mao quản, kháng chiếu xạ, hạ huyết áp.
Theo y học hiện đại, nụ hòe và rutin được dùng làm thuốc cầm máu trong các trường hợp xuất huyết, đề phòng tai biến do xơ vữa mạch máu, tổn thương mao mạch, xuất huyết dưới da, xuất huyết có liên quan đến xơ vữa động mạch, xuất huyết võng mạc, tăng huyết áp.
Theo y học cổ truyền, hòe điều trị trường phong tiện huyết (đi ngoài ra máu tích phong nhiệt), niệu huyết, huyết lãm, băng lậu, trĩ ra máu, chảy máu cam, nôn ra máu, tăng huyết áp.
Trên đây Hội Buôn Chuyện đã giới thiệu cho bạn về công dụng và lợi ích của một số loại hoa tươi. Hy vọng với những thông tin trên bạn sẽ có thêm sự hiểu biết và có thể tận dụng tốt nhất các loại hoa này để chữa một số bệnh thường gặp. Ngoài làm thuốc, nhiều loại hoa trang trí cung đem lại nhiều tác dụng cho sức khỏe! Chúc các bạn chọn được loại hoa phù hợp cho mình.
Để lại một bình luận