Thị trường phái sinh mới xuất hiện tại Việt Nam từ năm 2017 và có sức hút không hề nhỏ khi có thể giúp những nhà đầu tư lãi gấp nhiều lần sau một khoảng thời gian ngắn.
Như ví dụ (biểu đồ) dưới đây…
Chứng quyền có bảo đảm của Công ty cổ phần thực phẩm Masan (CMSN) đã tăng gần 3 lần sau 3 tháng.
Chính vì thế đa số những nhà “đầu tư” hiện tại đều sử dụng các sản phẩm phái sinh như một công cụ để đầu tư kiếm lời, thay vì mục tiêu ban đầu của chúng là để phòng tránh rủi ro (hedging), dẫn tới những rủi ro khôn lường.
Trong bài viết này,Hội buôn chuyện sẽ chia sẻ với bạn những kiến thức và kinh nghiệm cơ bản về đầu tư chứng khoán nói chung và chứng khoán phái sinh nói riêng, để có thể bắt đầu đầu tư chứng khoán phái sinh mà vẫn tránh được những rủi ro tiềm ẩn.
Tóm tắt nội dung bài viết
- Chứng khoán phái sinh là gì?
- Các loại chứng khoán phái sinh
- Hợp đồng tương lai (Future Contract) là gì?
- Đặc điểm của hợp đồng tương lai
- #1. Mức giá chuyển giao được điều chỉnh theo tình hình thị trường
- #2. Hợp đồng tương lai yêu cầu tỷ lệ ký quỹ
- #3. Giá trị lỗ lãi của Hợp đồng tương lai được xác định hàng ngày
- Hợp đồng tương lai chỉ số VN30
- Ưu điểm của thị trường chứng khoán phái sinh là gì?
- 1.3 Thị trường chứng khoán phái sinh dành cho ai?
- Chiến lược khi tham gia vào thị trường chứng khoán phái sinh
- #1. Chiến lược đầu cơ, đòn bẩy lớn
- #2. Chiến lược hạn chế rủi ro – Hedging
- Khác biệt giữa: Hợp đồng tương lai vs. Chứng khoán cơ sở (cổ phiếu thường)
- Những rủi ro khi tham gia vào chứng khoán phái sinh?
- Để tham gia giao dịch Chứng khoán phái sinh, bạn cần làm gì?
- Sản phẩm chứng khoán phái sinh nào được triển khai đầu tiên ở Việt Nam?
- Làm sao để thành công với giao dịch chứng khoán phái sinh?
Chứng khoán phái sinh là gì?
Chứng khoán phái sinh là 1 hợp đồng tài chính quy định quyền lợi và/hoặc nghĩa vụ của các bên tham gia hợp đồng. Trong đó, giá giao dịch sẽ được xác định ở thời điểm hiện tại, tuy nhiên thời điểm thực hiện sẽ ở một ngày cụ thể trong tương lai.
Chính nhờ việc ấn định giá giao dịch ở thời điểm hiện tại này mà các sản phẩm phái sinh đã được sử dụng từ rất lâu (khoảng 4 ngàn năm trước CN tại khu vực Lưỡng Hà) với mục đích cốt lõi ban đầu là đề phòng rủi ro.
Ví dụ:
Bạn là nông dân trồng lúa, giá gạo ở thời điểm hiện tại (1/4) khi chưa tới vụ thu hoạch là vào khoảng 15.000đ/kg, khá cao so mọi năm.
Với kinh nghiệm lâu năm của mình bạn biết rằng giá gạo nhiều khả năng sẽ giảm trong tương lai khi vào chính vụ thu hoạch, điều đó đồng nghĩa với việc bạn sẽ phải bán giá thấp hơn và làm lợi nhuận suy giảm.
Do đó, để tránh rủi ro bị giảm giá bạn sẽ ký 1 hợp đồng tương lai với người mua rằng tới thời điểm điểm thu hoạch (30/4) sẽ giao hàng cho anh ta với giá 15.000đ/kg, bất chấp giá gạo lúc đó diễn biến ra sao.
Đây chính là những sản phẩm phái sinh sơ khai nhất của thị trường hàng hóa mà sau này được giới “đầu cơ” sử dụng như một công cụ để tìm kiếm lợi nhuận.
Nếu bạn không phải là nông dân trồng lúa, bạn chẳng có hạt gạo nào để giao cho người mua tại thời điểm thu hoạch.
Tuy nhiên bạn vẫn có thể ký hợp đồng tương lai với người mua và sau đó mua lại gạo trên thị trường để giao ở thời điểm 30/4.
Lúc này bạn muốn tham gia thị trường phái sinh đơn giản chỉ là vì bạn tin rằng giá gạo sẽ giảm trong tương lai và bạn muốn kiếm lời dựa trên khoản chênh lệch đó chứ không phải để giảm thiểu rủi ro giảm giá.
Các loại chứng khoán phái sinh
Sau này rất nhiều quy định được ban hành quy định về quyền, nghĩa vụ, thời gian, số tiền đảm bảo cho các loại hợp đồng.
Từ đó người ta mới chia chứng khoán phái sinh làm 4 loại chính để dễ phân biệt:
- Hợp đồng kỳ hạn (Forward)
- Hợp đồng tương lai (Future)
- Hợp đồng quyền chọn (Option)
- Hợp đồng hoán đổi (Swap)
Do hiện tại ở thị trường chứng khoán Việt Nam mới có sản phẩm phái sinh duy nhất là hợp đồng tương lai nên tôi sẽ chỉ đi vào phân tích chi tiết về sản phẩm này.
Hợp đồng tương lai (Future Contract) là gì?
Hợp đồng tương lai là thỏa thuận mua bán một loại tài sản cơ sở nhất định theo một mức giá chuyển giao (future price) tài sản đó tại một thời điểm có hiệu lực trong tương lai và việc chuyển giao này được thực hiện theo các quy định của Sở giao dịch có tổ chức.
- Tài sản cơ sở có thể là: Ngũ cốc, thực phẩm, năng lượng, kim loại, tiền tệ, chỉ số tài chính…
- Quy cách của hàng hóa giao dịch trong Hợp đồng tương lai được chuẩn hóa và được giao dịch tại các sàn tập trung.
Trở lại với ví dụ ban đầu, về việc mua bán gạo. Hợp đồng 2 bên ký kết gọi là hợp đồng kỳ hạn (forward contract) khi khối lượng gạo, giá bán, thời gian giao hàng… tùy thuộc vào 2 bên thương lượng.
Cả người mua và người bán đều phải đối mặt với rủi ro hợp đồng không được thực hiện khi 1 trong 2 bên có thể hủy ngang hợp đồng.
Tuy nhiên với hợp đồng tương lai (future contract) thì khác, đây chính là hợp đồng kỳ hạn được sở giao dịch chuẩn hóa, quy định về:
- Loại tài sản;
- Quy mô hợp đồng (số lượng tài sản cơ sở được chuyển giao đối với mỗi đơn vị hợp đồng);
- Loại và đơn vị tiền tệ đối với giá chuyển giao mỗi phiên;
- Biên độ dao động giá chuyển giao;
- Địa điểm và thời gian thực hiện việc chuyển giao;
- Tỷ lệ ký quỹ (đảm bảo khả năng thực hiện của 2 bên);
Nói cách khác, bạn sẽ không trực tiếp đến gặp người B để đàm phán hợp đồng mà sẽ trực tiếp mua hợp đồng trên sàn giao dịch.
Ở đây toàn bộ hợp đồng mua bán đã được chuẩn hóa và yêu cầu tỷ lệ ký quỹ nhất định để đảm bảo khả năng thực hiện của 2 bên.
Đặc điểm của hợp đồng tương lai
#1. Mức giá chuyển giao được điều chỉnh theo tình hình thị trường
Mức giá này được ấn định ban đầu và thay đổi sau mỗi phiên trên thị trường.
Giá chuyển giao của Hợp đồng tương lai được giao dịch trên thị trường phụ thuộc vào nhiều yếu tố và liên tục thay đổi theo thời gian.
Nếu giá giao ngay của tài sản cơ sở tăng thì thông thường giá chuyển giao cũng tăng và ngược lại. Vào cuối phiên, mức giá chuyển giao của Hợp đồng tương lai sẽ được công bố và có hiệu lực cho đến phiên tiếp theo.
#2. Hợp đồng tương lai yêu cầu tỷ lệ ký quỹ
Khi tham gia Hợp đồng tương lai, người mua và người bán phải mở tài khoản ký quỹ tại sàn, và ký quỹ một tỷ lệ phần trăm của giá trị hợp đồng.
Số dư tài khoản ký quỹ của bên tham gia giao dịch sẽ luôn thay đổi theo giá hàng ngày và không được thấp hơn mức ký quỹ duy trì (theo quy định của Sở giao dịch).
#3. Giá trị lỗ lãi của Hợp đồng tương lai được xác định hàng ngày
Nhà đầu tư đứng ở vị thế mua (Long-position – người mua) được lợi nếu giá tài sản cơ sở trên thị trường tăng lên.
Nhà đầu tư đứng ở vị thế bán (Short-position – người bán) sẽ được lợi nếu giá tài sản cơ sở trên thị trường giảm xuống.
Nếu bạn đang tự hỏi nếu bạn dự báo giá gạo (tài sản cơ sở) sẽ tăng trong tương lai, tại sao chúng ta không mua trực tiếp gạo mà phải mua qua hợp đồng tương lai?
Đây chính là điểm hấp dẫn của sản phẩm phái sinh này khi:
- Bạn không cần phải có đủ 100% số tiền để mua tài sản cơ sở
- Bạn Không lo ngại vấn đề bảo quản, vận chuyển hàng hóa
- Dễ dàng giao dịch
Hiện tại ở thị trường chứng khoán Việt Nam chỉ có duy nhất sản phẩm chứng khoán phái sinh là hợp đồng tương lai có tài sản cơ sở là chỉ số VN30.
Hợp đồng tương lai chỉ số VN30
Để hiểu rõ hơn, bạn hãy tham khảo ví dụ dưới đây:
Bạn mở vị thế mua 01 Hợp đồng tương lai chỉ số VN30 đáo hạn vào tháng 12/2020, và kỳ vọng thị trường (chỉ số VN30) sẽ tăng trong tương lai.
Khi giá hợp đồng tương lai tăng từ 1.000 điểm lên 1.010 điểm, nhà đầu tư đang lãi: (1.010 – 1.000) x 100.000 đồng/điểm chỉ số = 1 triệu đồng
Giá trị ký quỹ của nhà đầu tư tăng lên: 15 triệu + 1 triệu = 16 triệu đồng
Phần trăm lãi của nhà đầu tư khi đó là: 1/15 = 7%
Còn nếu tham gia trên thị trường cơ sở, phần trăm lãi của nhà đầu tư chỉ là: (1.010 –1.000)/1.000 x 100% = 1%
Như vậy, nhờ chỉ phải bỏ số tiền ký quỹ ban đầu (15%) mà chỉ với một biến động nhỏ về giá của hợp đồng tương lai có thể tạo ra mức lãi/lỗ lớn hơn nhiều lần so với việc đầu tư vào tài sản cơ sở.
Rất nhiều nhà đầu tư đã tham gia thị trường phái sinh với mục đích duy nhất là kiếm tiền nhanh nhưng lại quên rằng mục đích ban đầu của thị trường phái sinh là phòng tránh rủi ro, không phải kiếm lời.
Chúng ta sẽ cùng tìm hiểu sự khác nhau về 2 chiến lược này ở phần cuối bài
Ưu điểm của thị trường chứng khoán phái sinh là gì?
Thị trường chứng khoán phái sinh được khá nhiều nhà đầu tư quan tâm bởi tính hấp dẫn của nó. Những ưu điểm dưới đây sẽ là nền tảng để các nhà đầu tư đưa ra quyết định chính xác:
- – Phòng hộ hoặc giảm nhẹ rủi ro trong các tài sản cơ sở. Bằng cách tham gia một hợp đồng phái sinh mà giá trị của nó di chuyển theo hướng ngược lại với vị thế tài sản cơ sở của nó và triệt tiêu một phần hoặc toàn bộ rủi ro này.
- – Tạo khả năng tùy chọn trong đó giá trị của phái sinh liên kết với một điều kiện cụ thể.
- – Có được sự tiếp xúc với tài sản cơ sở khi không thể trao đổi bằng dạng tài sản cơ sở đó.
- – Cung cấp đòn bẩy tạo ra một sự khác biệt lớn trong giá trị của phái sinh.
- – Thu lợi nhuận nếu giá trị của tài sản cơ sở di chuyển theo cách nhà đầu tư mong đợi.
- – Chuyển phân bổ tài sản giữa các tài sản khác nhau, không làm ảnh hưởng đến tài sản cơ sở.
Một ưu điểm của chứng khoán phái sinh đó là giảm rủi ro cho các nhà đầu tư
1.3 Thị trường chứng khoán phái sinh dành cho ai?
Thị trường chứng khoán phái sinh dành cho các đối tượng sau:
- – Các cá nhân/tổ chức có nhu cầu giao dịch thực sự tài sản cơ sở. Sử dụng chứng khoán phái sinh để phòng hộ rủi ro liên quan đến biến động giá của tài sản.
- – Các cá nhân/tổ chức tham gia mua và bán đồng thời một hoặc nhiều loại chứng khoán phái sinh. Mục đích của nhà đầu tư hạn chế chênh lệch giá là tận dụng sự chênh lệnh giá giữa các CKPS để thu về lợi nhuận phi rủi ro.
- – Các cá nhân/tổ chức không có ý định giao dịch tài sản cơ sở nhưng lại muốn lợi tận dụng sự biến động về giá của tài sản cơ sở để thu về lợi nhuận ngắn hạn
Chiến lược khi tham gia vào thị trường chứng khoán phái sinh
#1. Chiến lược đầu cơ, đòn bẩy lớn
Với việc chỉ cần bỏ ra 15% tỷ lệ ký quỹ ban đầu và sử dụng tới 85% tiền của công ty chứng khoán thì mức lời/lỗ của bạn sẽ được đẩy lên rất cao (khoảng 6 lần).
Thay vì bỏ 100 triệu của mình ra để mua các cổ phiếu trong VN30 thì bạn lại sử dụng số tiền đó để mua hợp đồng tương lai.
Đây là ví dụ điển hình của chiến lược đầu cơ.
Cứ mỗi 1% tăng hoặc giảm của VN30, bạn sẽ lãi hoặc lỗ tương ứng xấp xỉ 7%.
Cuối mỗi ngày giao dịch bạn buộc phải duy trì tỷ lệ ký quỹ tối thiểu của mình nếu không muốn bị công ty chứng khoán bán tài sản (margin call).
Đương nhiên với biến động mạnh như vậy thì bạn sẽ có nhiều khả năng bị cháy tài khoản trước khi chỉ số VN30 kịp tăng trở lại.
Đã có không ít những phiên thị trường điều chỉnh mạnh trước khi tăng khiến những người đang sở hữu vị thế mua không kiểm soát được bản thân trước những đợt giảm giá trong ngắn hạn:
Chúng ta luôn cảm thấy đau đớn khi lỗ nhiều hơn là lãi
Đó là tâm lý hành vi tài chính thông thường. Áp lực bị call margin sẽ khiến bạn khó có thể đưa ra những quyết định đúng.
#2. Chiến lược hạn chế rủi ro – Hedging
Đây mới chính là mục tiêu hướng tới của thị trường phái sinh.
Ví dụ bạn có 1 tỷ đồng và phân bổ 90% tức là 900 triệu để mua cổ phiếu trong nhóm VN30 và 100 triệu để hedging – tức short 6 hợp đồng chỉ số VN30 (15 triệu 1 hợp đồng).
- TH1: Khi chỉ số HNX tăng 1% từ 1.000 điểm lên 1010 điểm
Bạn lời từ chứng khoán cơ sở: 900 x (1.010/1.000 – 1) = 9 triệu.
Lỗ từ việc short chỉ số HNX: (1.010 – 1.000) x 6 x 100.000 = 6 triệu.
Tổng cộng bạn sẽ lãi = 9 – 6 = 3 triệu.
- TH2: Khi chỉ số VN30 giảm 1% từ 1.000 điểm xuống 990 điểm
Bạn sẽ lỗ từ thị trường cơ sở: 900 x (990/1.000 – 1) = – 9 triệu
Tuy nhiên bạn sẽ lãi ở thị trường phái sinh: (1.000 – 990) x 6 = 6 triệu
Tổng cộng bạn sẽ lỗ: 9 – 6 = 3 triệu
Như vậy nhờ đặc điểm sử dụng đòn bẩy rất lớn của sản phẩm phái sinh sẽ giúp bạn giảm bớt mức độ biến động (rủi ro) trong danh mục của mình.
Đây cũng chính là công cụ được các tổ chức đầu tư chuyên nghiệp thường xuyên sử dụng để đảm bảo tỷ lệ rủi ro tối đa mà mình có thể chịu đựng.
Có thể bạn sẽ thấy nực cười khi thấy việc tham gia vào thị trường phái sinh theo chiến lược hedging sẽ chỉ khiến bạn bị giảm lãi trong trường hợp dự đoán đúng và bớt lỗ trong trường hợp bạn dự đoán sai.
Tuy nhiên với các tổ chức đầu tư lớn sẽ thường có mục tiêu kỳ vọng/rủi ro chịu đựng rất rõ ràng, thị trường phái sinh lúc này là công cụ tuyệt vời để họ có thực hiện mục tiêu đó.
Rất nhiều nhà đầu tư lão làng đã phải thừa nhận rằng tham gia thị trường phái sinh theo chiến lược đầu cơ là cực kỳ rủi ro và khắc nghiệt hơn rất nhiều so với thị trường chứng khoán cơ sở…
Hãy cẩn trọng và thực sự hiểu rõ chiến lược đầu tư của bạn trước khi tham gia thị trường phái sinh!
Khác biệt giữa: Hợp đồng tương lai vs. Chứng khoán cơ sở (cổ phiếu thường)
Các Hợp đồng tương lai sẽ có bảng giá riêng. Dựa trên kỳ vọng vào xu hướng của chỉ số mà nhà đầu tư có thể đặt lệnh và khớp lệnh để tham gia vào hợp đồng tương lai. Nhà đầu tư kỳ vọng chỉ số tăng sẽ mua hợp đồng tương lai chỉ số, nhà đầu tư kỳ vọng chỉ số giảm sẽ bán hợp đồng tương lai chỉ số.
Bên cạnh đó, Hợp đồng tương lai có một số ưu điểm như:
- Tổng số lượng hợp đồng tương lai lưu hành không bị giới hạn: số lượng hợp đồng lưu hành trên thị trường phụ thuộc vào nhu cầu nhà đầu tư;
- Nhà đầu tư có thể tham gia Vị thế bán mà không cần sở hữu tài sản cơ sở của hợp đồng đó;
- Nhà đầu tư chỉ cần bỏ ra 1 số tiền (ký quỹ) bằng một phần giá trị hợp đồng –> Lợi thế đòn bẩy.
Tuy vậy, các hợp đồng tương lai sẽ có thời gian đáo hạn, do đó nhà đầu tư khi tham gia giao dịch cần lưu ý chọn hợp đồng có tháng đáo hạn phù hợp.
Những rủi ro khi tham gia vào chứng khoán phái sinh?
“Lợi thế đòn bẩy được coi là con dao 2 lưỡi khi nhà đầu tư tham gia vào thị trường”
Khi giá hợp đồng tương lai biến động theo chiều hướng có lợi, nhà đầu tư sẽ ghi nhận khoản tiền lãi lớn trên mức ký quỹ ban đầu.
Khi giá hợp đồng tương lai biến động theo chiều hướng bất lợi, nhà đầu tư sẽ chịu khoản thiệt hại lớn trên tài khoản ký quỹ.
Nếu giá trị ký quỹ xuống thấp hơn Mức ký quỹ duy trì, nhà đầu tư sẽ phải bổ sung ký quỹ.
Nếu không nộp bổ sung, nhà đầu tư buộc phải đóng 1 phần/toàn bộ vị thế đang nắm giữ bằng việc đặt lệnh đối ứng trên thị trường. Khi đóng được vị thế, nhà đầu tư vẫn phải thanh toán thiệt hại cho TTTTBT và công ty chứng khoán nếu như giá trị ký quỹ không đủ để chi trả.
Để tham gia giao dịch Chứng khoán phái sinh, bạn cần làm gì?
Để tham gia giao dịch HĐTL, Nhà đầu tư có thể thực hiện các bước sau:
Bước 1: Mở tài khoản chứng khoán phái sinh tại công ty chứng khoán là thành viên giao dịch thị trường chứng khoán phái sinh và một tài khoản ký quỹ tại một thành viên bù trừ (có thể là tổ chức khác nếu thành viên giao dịch của nhà đầu tư không phải thành viên bù trừ).
Bước 2: Trước khi giao dịch, nhà đầu tư nộp tiền (ký quỹ) theo quy định.
Bước 3: Nhà đầu tư tiến hành tham gia giao dịch HĐTL theo hướng dẫn và bổ sung ký quỹ (khi được yêu cầu).
Sản phẩm chứng khoán phái sinh nào được triển khai đầu tiên ở Việt Nam?
Ngày 10/8/2017, thị trường chứng khoán phái sinh ở Việt Nam chính thức mở cửa. Trong đó, sản phẩm chứng khoán phái sinh đầu tiên được niêm yết và giao dịch trên thị trường Việt Nam là Hợp đồng tương lai trên chỉ số cổ phiếu VN30.
Hợp đồng tương lai chỉ số là một hợp đồng tương lai có tài sản cơ sở là một chỉ số chứng khoán. Hợp đồng được giao dịch trên Sở giao dịch tập trung với một số điều khoản chuẩn hóa (được nêu chi tiết trong bản mô tả đặc tính của hợp đồng).
Mỗi hợp đồng tương lai chỉ số VN30-Index sẽ có 4 “tháng” đáo hạn, bao gồm tháng hiện tại, tháng kế tiếp và 2 tháng cuối 2 quý gần nhất (tức là sản phẩm sẽ có 4 mã chứng khoán tương ứng).
Ví dụ, tại thời điểm tháng 12/2020, sẽ tồn tại 4 hợp đồng gồm: HĐTL đáo hạn tháng 12/2020 (tháng hiện tại – VN30F2012), HĐTL đáo hạn tháng 1/2021 (tháng tiếp theo – VN30F2101), HĐTL đáo hạn tháng 3/2021 (VN30F2103) và HĐTL đáo hạn tháng 6/2021 (VN30F2106) (tương ứng với 2 tháng cuối 2 quý gần nhất).
Hệ số nhân đối với VN30-Index là 100.000 đồng, tương ứng với quy mô một hợp đồng tương lai chỉ số VN30-Index tại mức 700 điểm là 70.000.000 đồng (100.000 đồng x 700).
Theo quy định của VSD, mức ký quỹ ban đầu vào khoảng 10-15% giá trị hợp đồng (* Chi tiết tính mức ký quỹ ban đầu theo công thức tính tại Quy chế Ký quỹ của VSD), nghĩa là nếu quy mô hợp đồng là 70.000.000 đồng thì mức ký quỹ ban đầu để mua 1 hợp đồng vào khoảng 7-10,5 triệu đồng. Với mức ký quỹ này, các nhà đầu tư cá nhân hoàn toàn có thể tham gia vị thế mua/bán một hợp đồng tương lai chỉ số VN30-Index.
Hợp đồng trên có bước giá 0,1 điểm chỉ số và biên độ giống thị trường cơ sở (± 7%), được giao dịch sớm hơn 15 phút và đóng cửa cùng thời gian so với thị trường cơ sở.
Làm sao để thành công với giao dịch chứng khoán phái sinh?
Để có thể thành công với giao dịch phái sinh, bạn phải xác định được mục đích của mình khi tham gia giao dịch đó là gì? Để phòng ngừa rủi ro hay để đầu cơ (trading) sinh lợi?
Hầu hết nhà đầu tư cá nhân tiếp cận với các hợp đồng phái sinh dưới góc độ đầu cơ (trading), do đó, GoValue khuyên bạn nên tìm hiểu thêm về phân tích kỹ thuật.
Việc hiểu về các chỉ báo kỹ thuật sẽ giúp bạn có được những tín hiệu mua bán ngắn hạn chính xác và dễ dàng thu lợi từ hoạt động đầu cơ.
Tất nhiên, bạn cần có những hiểu biết nhất định về phân tích kỹ thuật và xây dựng cho mình 1 hệ thống chỉ báo riêng trước khi nghĩ đến việc làm giàu từ hợp đồng phái sinh.
Hội buôn Chuyện tổng hợp
Để lại một bình luận