Với mức thu nhập xung quanh 10 triệu đồng/tháng, chiến thuật tiết kiệm của bạn phải khác những người thu nhập cao hoặc thấp hẳn.
Ở các thành phố lớn, khoản thu nhập 10 triệu đồng/tháng không tính là thấp nhưng cũng còn xa mới có thể gọi là cao. Nếu không khéo xoay xở, thu xếp thật khó dành dụm với số tiền này, nhất là khi bạn có con nhỏ.
Mẹo tiết kiệm tiền với thu nhập 10 triệu đồng
Để dành dụm hiệu quả với mức thu nhập này, ngoài việc áp dụng các nguyên tắc bất di bất dịch đối với mọi đối tượng, bạn phải có giải pháp đặc thù, khác hẳn với mẹo tiết kiệm tiền của những người thu nhập cao hoặc thu nhập rất thấp. Dưới đây là các bí quyết bạn có thể tham khảo.
Ghi chép các khoản chi
Mẹo tiết kiệm tiền này hữu hiệu với hầu hết các mức thu nhập. Hãy ghi lại mọi khoản chi tiêu và tổng kết cuối mỗi tháng. Bạn cần biết rõ mình chi tiêu những gì trong tháng thì mới có thể dựa vào đó để rút kinh nghiệm cho tháng sau. Từ bản danh sách này, hãy đánh giá từng hạng mục để xem khoản nào chưa hợp lý, có thể cắt giảm. Nhờ đó, bạn có thể điều chỉnh mức chi tiêu hợp lý hơn cho thời gian sau này.
Giảm khoản chi cho sở thích cá nhân
Trong khi việc chi cơ bản cho đời sống và sinh hoạt gia đình thường rất khó cắt giảm thì các khoản chi tiêu cho sở thích cá nhân lại dễ “co giãn” nhất. Bạn không cần phải hy sinh hoàn toàn các thú vui yêu thích của mình, vì vẫn cần tiếp cho bản thân động lực, năng lượng để làm việc, tuy nhiên hãy giảm bớt số tiền dành cho nó. Chẳng hạn, nếu gia đình bạn thường đi ăn ngoài hàng mỗi tháng 2 lần, đi xem phim 2 tuần mỗi lần, hãy giảm tần suất xuống còn một nửa.
Ưu tiên trả các món nợ lãi cao
Nợ nần là thứ bạn cần giải quyết càng sớm càng tốt nếu muốn tiết kiệm tiền, trong trường hợp phải trả lãi. Nếu không, chỉ riêng tiền lãi đã ngốn một khoản “oan uổng” trong số tiền ít ỏi bạn có được. Trong các món nợ, cần trả trước những khoản lãi suất cao.
Hãy cảnh giác với việc dùng thẻ tín dụng vì chỉ cần sao nhãng, để quá thời hạn, bạn sẽ phải chịu mức lãi suất “gây đau lòng”.
Nhắm vào các khoản chi lớn
Với thu nhập khiêm tốn, bạn sẽ chẳng tiết kiệm được bao nhiêu nếu chỉ nhăm nhăm giảm chi ở các khoản nhỏ. Chiến thuật hiệu quả là nhắm vào các khoản chi lớn, như vậy con số bạn tiết kiệm được sẽ “ra tấm ra món” hơn. Tiền thuê nhà là một trong những khoản như vậy, bạn có thể đổi sang thuê một căn nhà nhỏ hơn, gần chỗ làm hơn (để bớt chi phí đi lại). Nếu độc thân, bạn có thể chia sẻ tiền thuê phòng với ai đó. Nếu đã có nhà riêng, hãy cân nhắc việc cho thuê bớt một phòng.
Tìm việc làm thêm
Khéo “co kéo” đến mấy thì với mức thu nhập 10 triệu đồng, con số bạn dành dụm được mỗi tháng không thể quá lớn. Vì vậy sau khi cắt giảm mọi chỗ, điều bạn có thể làm là tìm công việc làm thêm phù hợp với sở thích cá nhân hoặc khả năng của mình. Chỉ cần kiếm thêm vài ba triệu đồng mỗi tháng là số tiền dư ra của bạn cũng đã khác hẳn trước đây
10 quy tắc tiết kiệm các triệu phú
1. Quy tắc 24 giờ
Nhìn bên ngoài, những triệu phú có vẻ không tiếc tiền khi mua một món đồ cao cấp, nhưng thường họ đã có một khoảng thời gian cân nhắc trước khi đưa ra quyết định. Từ lúc họ nhìn thấy, tới lúc chi tiền thường kéo dài một ngày. Đây gọi là quy tắc 24 giờ.
Mua sắm kiểu bốc đồng thường khiến bạn mua về những món đồ không cần thiết, giảm quỹ tiết kiệm của bạn. Vì vậy, hãy dành một ngày để tự hỏi bản thân rằng thứ đó bạn “muốn hay cần”. Nếu trả lời được câu hỏi này, bạn sẽ không “vung tay quá trán” nhiều nữa.
2. Sử dụng tiền mặt
Nền kinh tế không tiền mặt đang là xu hướng của xã hội hiện đại, rất tiện lợi cho việc đi mua hàng hay thanh toán các hóa đơn… Tuy nhiên những người chi tiêu chiến lược thích dùng tiền mặt hơn là thẻ, đặc biệt cho các giao dịch nhỏ.
Người giàu sống theo tiêu chí càng tránh xa nợ càng tốt, vì vậy họ không thích các khoản nợ trong thẻ tín dụng. Việc tiêu tiền mặt cũng giúp họ kiểm soát và quản lý chi tiêu tốt hơn.
3. Đặt ra ngân sách phù hợp và tuân theo đó
Điều này nghe có vẻ sáo rỗng nhưng nó lại giúp bạn tiết kiệm được nhiều tiền. Bạn cần cân nhắc giữa thu nhập mình kiếm được để đặt ra giới hạn chi tiêu cho bản thân. Đây là phương pháp được giới tài chính gọi là: 50 – 30 – 20. Bạn dành 50% ngân sách cho những điều tối quan trọng (tiền nhà, ăn uống, học hành…), 30% cho các nhu cầu cá nhân (mua sắm), và 20% để tiết kiệm.
4. Mua những đồ thích đáng, phục vụ cho những mục tiêu dài hạn
Bạn không cần phải quá khổ sở để tiết kiệm tiền. Thực tế, người giàu thường không ngại chi tiền cho những đồ họ thấy thực sự cần thiết. Ví dụ, họ không tiếc tiền mua một chiếc máy tính tốt để phục vụ công việc, cấu hình cao để làm việc nhanh hơn…
Kimberly Palmer, một chuyên gia tài chính cá nhân cho biết cô rất vui khi mua một bộ trang phục công sở đẹp, có thể mặc tới nhiều nơi, nhiều dịp, một chiếc máy tính tốt hoặc một chiếc xe đáng tin cậy.
5. Chi tiêu để tiết kiệm thời gian
Theo Business Insider, người giàu không ngại chi tiêu cho các dịch vụ có thể giúp họ tiết kiệm thời gian và không phải suy nghĩ nhiều. Họ có thể thuê người giúp việc, dọn dẹp nhà cửa, thuê hoặc mua nhà ở trung tâm thành phố, gần các cửa hàng, siêu thị… Nhìn qua việc này có thể khiến họ tốn tiền nhiều hơn, nhưng nó lại giúp họ tiết kiệm thời gian hiệu quả, để làm những thứ có ích, thoải mái hơn.
6. Bỏ tiền để có những kinh nghiệm quý giá
Các triệu phú thường ưu tiên chi tiền cho việc làm giàu kinh nghiệm. Họ thích đọc sách có thêm vốn hiểu biết, bỏ tiền tới phòng tập gym để có sức khỏe tốt.. Họ cũng sẵn sàng thử nghiệm, bỏ tiền ra cho những chuyến đi thay đổi cuộc sống, ví dụ như dã ngoại, nhảy dù…
7. Lên kế hoạch mua đồ chi tiết mỗi dịp sale
Ai cũng thích đồ giảm giá. Nhưng nếu không có chiến lược cụ thể, bạn sẽ rất dễ rước về nhà những món đồ bạn thực sự không cần, chỉ vì thấy “rẻ quá không mua thì phí”. Hãy mua sắm một cách thông minh bằng cách viết ra danh sách những đồ bạn cần trong cả núi đồ đang giảm giá hấp dẫn.
8. Đầu tư những thứ khiến bản thân khỏe mạnh và hạnh phúc
Người giàu thường có xu hướng “làm hết sức, chơi hết mình” bằng cách đam mê, yêu thích những gì họ làm và đầu tư những thứ khiến họ hạnh phúc. Vì thế, đừng ngại đầu tư tiền mua một chiếc xe đạp mỗi ngày tăng sức khỏe, một đôi giày tốt chạy mỗi ngày…
9. Đặt ra những ngày không chi tiêu
Cách này cũng giúp bạn tiết kiệm được đáng kể. Hãy thử bắt đầu với một ngày trong tuần không chi tiền, rồi dần dần là vài ngày, thậm chí là cả tuần… Hãy tận dụng những thứ có trong tủ lạnh để nấu ăn, pha chế… Bước đầu bạn hãy chỉ mua những thứ như đồ ăn uống hàng ngày, và bỏ ra khỏi đầu những bộ quần áo, túi xách, trà sữa…
10. Tiết kiệm từ những đồng tiền lẻ
Nhiều người không có thói quen lấy lại tiền lẻ, hoặc vứt lăn lóc đâu đó vài nghìn, thậm chí khi đánh rơi cũng không buồn nhặt lại… Nhưng hãy nghĩ xem, một đồng tiền bạn tiết kiệm được là một đồng bạn đã vất vả kiếm ra. Hãy giữ lại những đồng nho nhỏ, để dùng nó mua cà phê, trà đá… giữ mức chi tiêu hàng ngày của bạn ở mức tối thiểu.
Để lại một bình luận